banner
Thứ 5, ngày 25/4/2024
Quốc hội thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam
8-6-2018
Buổi sáng ngày 08/6/2018 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) với số lượng 430 đại biểu Quốc hội tán thành (bằng 88,3%) và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.
Quốc hội thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường  về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Luật Quốc phòng (sửa đổi) có 7 chương, 40 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Luật quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng. Luật Quốc phòng số 39/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Tại phiên làm việc này đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 19 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu thảo luận; 5 đại biểu phát biểu tranh luận đối với các nội dung về Phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật; Giải thích từ ngữ; Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển; Nguyên tắc hoạt động; cơ cấu tổ chức; Phạm vi hoạt động; Các biện pháp công tác của cảnh sát biển và hợp tác quốc tế; Về trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước; Chế độ, chính sách đối với cảnh sát biển; Rà soát bổ sung, hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều ước quốc tế;… của Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến vào dự thảo luật về Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển; Về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và nổ súng;… Theo đại biểu Tô Văn Tám về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển, dự thảo xác định cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Quy định này đã kế thừa Pháp lệnh về cảnh sát biển hiện hành. Thực tiễn quá trình thực hiện pháp lệnh đã chứng minh vị trí của cảnh sát biển trong lực lượng vũ trang nhân dân, đã phát huy hiệu quả, đóng vai trò nòng cốt trong quá trình thực thi pháp luật trên biển và bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, cũng đã có quan hệ hợp tác phối hợp tốt với các lực lượng chấp pháp trên biển của các quốc gia khác. Lực lượng vũ trang nhân dân chúng ta hiện nay, theo Luật Quốc phòng, bao gồm quân đội nhân dân, công an nhân dân và dân quân tự vệ. Vậy lực lượng cảnh sát biển sẽ thuộc ai quản lý? Để giải quyết vấn đề này, dự thảo đã xác định: "Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tính cách là thành viên của Chính phủ trực tiếp quản lý điều hành và hoạt động, đồng thời khi có xung đột vũ trang trên biển thì đây là lực lượng trực tiếp chiến đấu bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển". Bởi vậy, quy định Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp.

Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và nổ súng tại Điều 14 và Điều 15, theo đại biểu Tô Văn Tám dự thảo đã thiết kế theo hướng tuân thủ các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo quy định như vậy là cần thiết, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 15 quy định trường hợp nổ súng phải cảnh báo bằng mệnh lệnh hoặc bắn chỉ thiên, trừ tàu, thuyền của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế trên tàu, thuyền có chở người hoặc có con tin để dừng tàu, thuyền đó trong các trường hợp ở điểm a, b, c, đ với những nội dung như tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ. Đối tượng phạm tội, cố tình chạy trốn, chở vũ khí, tài liệu phản động, ma túy, bảo mật quốc gia, cố tình chạy trốn, cướp biển có vũ trang, v.v... Quy định này chưa được rõ lắm, theo đó sẽ được hiểu, chỉ có những tàu, thuyền của các cơ quan, tổ chức nêu trên với những hành vi nguy hiểm quy định tại điểm a, b, c, đ là lực lượng cảnh sát biển được nổ súng mà không cần cảnh báo. Còn các tàu, thuyền khác có các hành vi như quy định tại các điểm a, b, c, d nhất thiết phải cảnh báo mới được nổ súng. Trong khi các hành vi tại các điểm nêu trên là những hành vi hết sức nguy hiểm, cần phải nổ súng không phụ thuộc tàu, thuyền đó thuộc tổ chức, cá nhân nào. Mặt khác, vấn đề nổ súng là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, bởi vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này theo hướng, tách khoản 2 Điều 15 thành 2 khoản. Một khoản quy định có tính nguyên tắc, đó là phải cảnh báo trước khi nổ súng vào đối tượng và một khoản quy định các trường hợp nổ súng mà không cần cảnh báo, như thế sẽ rõ ràng hơn và dễ áp dụng hơn trong thực tiễn. Chúng ta có thể gom các điểm a, b, c, đ của khoản này thành một khoản của luật này…/.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ hai của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 5 - Quốc hội khóa XIV
Icon Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước
Icon Quốc hội thảo luận ở Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi)
Icon Quốc hội thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp 5 - Quốc hội khóa XIV
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc
Icon Hoạt động trong tháng 4/2018 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE