banner
Thứ 5, ngày 25/4/2024
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội
29-10-2018
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, ngày 26/10 Quốc hội đã tiến hành thảo luận về tình hình phát triển KT-XH; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội
Đại biểu Quốc hội A Pớt phát biểu thảo luận KT-XH

Tại 2 Phiên thảo luận này, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự tán thành cao với nội dung báo cáo của Chính phủ, ghi nhận những thành tựu kinh tế xã hội mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trong những năm vừa qua. Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum A Pớt đã phát biểu tham gia thảo luận với 3 kiến. Theo đại biểu nhiều năm nay ngân sách nhà nước luôn gặp khó khăn, thu chỉ đủ bù chi thường xuyên, trả nợ cả gốc và lãi, phần dôi dư dành cho đầu tư phát triển không đáng kể. Gần như toàn bộ chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương chủ yếu dựa vào vốn vay. Dù thu ngân sách nhà nước hằng năm thường vượt dự toán giao nhưng năm nào cũng bội chi và phải đi vay để cho đầu tư phát triển. Để duy trì tăng trưởng, không thể không đầu tư nhưng càng đầu tư thì dẫn tới thâm hụt ngân sách và nợ công tăng. Giai đoạn 2000-2015, mức nợ công đã sát ngưỡng 65% của Quốc hội cho phép. Tuy nhiên, những năm gần đây tình trạng trên đã được cải thiện đáng kể, đã có tích lũy để đầu tư cho phát triển. Số liệu cho thấy năm 2017 Chính phủ đã tích lũy cho đầu tư trên 69.000 tỷ. Năm 2018 đầu tư trên 63.000 tỷ. Cơ cấu chi cũng đã chuyển biến tích cực như chi thường xuyên đầu nhiệm kỳ chiếm 70%, nay chi thường xuyên đã giảm xuống còn 64%. Đây là sự nỗ lực lớn của Chính phủ, là thành tựu quan trọng cần được ghi nhận và đánh giá cao. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu sắc nguyên nhân vấn đề để trong thời gian tới tiếp tục phát huy.

Chính phủ quan tâm đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có Tây Nguyên, đặc biệt giai đoạn 2016 - 2018 đã tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giảm nghèo, phát triển sản xuất trong nông, lâm, thủy sản, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, hệ thống chính sách được thể hiện 3 nhóm cơ bản như sau: Nhóm thứ nhất là chính sách đặc thù theo dân tộc và nhóm dân tộc; Nhóm thứ hai là phát triển kinh tế - xã hội theo ngành; Nhóm thứ ba là phát triển theo vùng. Nhờ vậy đã khắc phục được tính dàn trải, chồng chéo, phân tán nguồn lực. Các chính sách đã được tổ chức, triển khai, thực hiện hiệu quả, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, kinh tế - xã hội vùng miền núi những năm qua đã đạt được sự tăng trưởng và phát triển khá. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở vùng Tây Bắc đạt 8,4%, vùng Tây Nguyên đạt 8,09%, vùng Tây Nam bộ 7,25%; cơ sở hạ tầng như đường ô tô đã đến trung tâm các xã; điện lưới quốc gia đã cơ bản phủ khắp các xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3-4%; mạng lưới y tế được quan tâm phát triển, đồng bào dân tộc được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, nhất là đồng bào nghèo được khám chữa bệnh miễn phí.

Có thể khẳng định, việc thực hiện chính sách cho miền núi đã giải quyết, đáp ứng  được nhu cầu bức thiết của dân tộc thiểu số, được người dân ủng hộ và tham gia tích cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, chính sách cho miền núi, Tây Nguyên và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chưa thực sự đồng bộ. Có chính sách vẫn mang tính bình quân nhưng các chính sách hỗ trợ bình quân chưa xét đến hết các yếu tố vùng, miền nên một số địa bàn miền núi vùng sâu, vùng xa khó thực hiện hơn vùng thuận lợi khác. Có lúc chính sách này làm giảm hiệu quả chính sách khác như để thực hiện dự án liên quan đến di dân, tái định cư, phần lớn phải di dời đến nơi ở mới, nhất là các dự án thủy điện, không chỉ thiệt hại về nhà cửa, đất đai của người dân bị ảnh hưởng mà còn phải chịu nhiều mất mát liên quan đến văn hóa, xã hội, môi trường.

Trong quá trình triển khai, đồng bào dân tộc thiểu sổ đã tiếp cận được sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nông sản rất khó khăn nên miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự tham gia vào chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập và đời sống. Điều đó cũng chứng minh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số nhưng hộ nghèo dân tộc thiểu số lại chiếm 52,7%. Như vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm: Thứ nhất, sớm rà soát, đánh giá lại một cách đồng bộ, trọn vẹn việc thực hiện chính sách dân tộc, thống nhất đầu mối quản lý thay vì nhiều đầu mối tham mưu không rành quản lý thực hiện chính sách dân tộc miền núi như hiện nay, tiếp tục đổi mới, cải tiến xây dựng chính sách dân tộc một cách thực sự hơn, hiệu quả hơn. Thứ hai, bố trí đủ kinh phí cho các danh sách chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án đầu tư tại vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất gắn với mục tiêu ổn định đời sống phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn với đảm bảo an sinh xã hội, môi trường sinh thái, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Thứ ba, rà soát, sắp xếp lại các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, thu hồi diện tích đất sử dụng không có hiệu quả hoặc không đúng mục đích, sử dụng để tạo quỹ đất, giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thật sự thiếu đất.

Đường tuần tra biên giới là công trình đặc biệt quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Công trình sau khi hoàn thành sẽ kết nối với đường vành đai biên giới, các đường dân sinh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh, quốc phòng ở vùng biên giới. Hiện nay, đường tuần tra biên giới sau hoàn thành, Bộ Quốc phòng sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, trong đó tỉnh Kon Tum có 435km. Các tỉnh được bàn giao hàng năm sẽ sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện công tác quản lý và bảo trì. Các địa phương trong đó có tỉnh Kon Tum được giao quản lý, bảo trì phần lớn là địa phương nghèo, nguồn ngân sách hạn chế trong khi công tác bảo trì đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Bởi vậy, đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ xem xét chuyển đường tuần tra biên giới thành quốc lộ và bố trí kinh phí trong công tác quản lý, bảo trì tuyến đường này. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay./.

 

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Icon Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Tham gia ý kiến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động trong tháng 10 và 11/2018 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Ngày 09/11 - Ngày pháp luật Việt Nam – Ngày tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV
Icon Hoạt động trong tháng 9/2018 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon VẤN ĐỀ CÔNG NGHIỆP AN NINH TRONG DỰ THẢO LUẬT CÔNG AN NHÂN DÂN
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE