banner
Thứ 6, ngày 19/4/2024
THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN THAM NHŨNG DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LÝ
27-5-2021
Thực tiễn xử lý các vụ án tham nhũng cho thấy, đối tượng tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, hoặc liên quan đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, có trình độ học vấn, và am hiểu pháp luật, hành vi rất tinh vi, nhiều mối quan hệ, nên tài sản tham nhũng luôn tiềm ẩn nguy cơ tẩu tán chuyển nhượng bất hợp pháp, hoặc rửa tiền. Hành vi tham nhũng thường chỉ bị phát hiện sau một thời gian dài, người có hành vi tham nhũng có thể đã làm công việc khác, lên chức vụ cao hơn, hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ công tác vv… nên việc điều tra, xử lý cũng như thu hồi tài sản tham nhũng gặp những khó khăn, phức tạp. Bởi vậy không chỉ phát hiện xử lý hành vi tham nhũng mà vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng cũng luôn là mối quan tâm chỉ đạo của đảng, sự quan tâm theo dõi của người dân và dư luận. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là rất rõ ràng và dứt khoát, đó là nhiệm vụ phát hiện điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án tham nhũng, phải gắn và ngang bằng với nhiệm vụ thu hồi tài sản tham nhũng.
THU HỒI TÀI SẢN TRONG CÁC VỤ ÁN THAM NHŨNG DƯỚI GÓC NHÌN PHÁP LÝ

 Để thực hiện tốt quan điểm đó của Đảng cần có nhiều công cụ, trong đó công cụ pháp lý có ý nghĩa quyết định, chúng ta biết hiệu quả của hoạt động thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng không chỉ bắt đầu từ khi án có hiệu lực, mà phụ thuộc vào cả một quá trình tố tụng, và như thế chúng ta đã có một hành lang pháp lý được xác lập trên các lĩnh vực. Đó là các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Đó là các Luật phòng chống tham nhũng, Luật thanh tra, Luật kiểm toán. Các quy định pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, như Bộ luật hình sự hiện hành đã có nhiều quy định nhằm tăng cường thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, như các tội phạm tham nhũng là đối tượng áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tài sản; các khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội khi áp dụng biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm để thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước; buộc trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vv… Các quy định pháp luật dân sự và đất đai như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật đất đai; Các quy định pháp luật về thi hành án; các quy định pháp luật về giá như Luật phá sản, Luật phòng chống rửa tiền, Luật các tổ chức tín dụng, Luật tương trợ tư pháp. Các quy định pháp lý đó đã và đang phát huy tác dụng, nâng cao hiệu quả quá trình thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo báo cáo của Ban nội chính Trung ương về tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, phương hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới thì: Các cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 396.270 tỷ đồng. Các cơ quan thanh tra đã tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực tham nhũng, qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi 309.604 tỷ đồng, 20.668 ha đất, kiến nghị xử lý trách nhiệm 14.046 tập thể, nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 629 vụ/797 đối tượng, kiến nghị thu hồi 208.767 tỷ đồng và 8.619 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 435 vụ/648 đối tượng. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân (từ năm 2013-2018) đã thu hồi 75.840,63 tỷ đồng/130.422,775 tỷ đồng thiệt hại do tội phạm gây ra, năm 2019 đã thu hồi 11.209,637 tỷ đồng/17.839,952 tỷ đồng. Các cơ quan kiểm sát có vụ án tham nhũng, kinh tế và số tiền, tài sản phải thu hồi là 8.531 vụ/90.384 tỷ đồng, áp dụng các biện pháp tịch thu, thu giữ, tạm giữ, kê biên phong tỏa tài khoản theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thu hồi được 51.334 tỷ đồng. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm đối với 7.399/14.044 bị cáo, tòa án nhân dân tỉnh và tòa án nhân dân cấp cao, đã xét xử phúc thẩm đối với 2.164 vụ/3.968 bị cáo, tòa án các cấp đã chuyển đến cơ quan thi hành án dân sự các cấp 4.294 bản án, quyết định với tổng giá trị tiền, tài sản phải thu hồi 58.896 tỷ đồng. Các cơ quan thi hành án tổ chức thu hồi tài sản với tổng số việc phải thi hành là 11.857 việc, tương ứng với số tiền trên 149.159 tỷ đồng, số việc đã thu hành xong là 10.119 việc, tương ứng với số tiền 47.795 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đã đạt được những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn của Đảng và nhân dân, nó có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân còn những bất cập nhất định trong các quy định của pháp luật, bởi vậy việc rà soát các quy định của pháp luật để bổ sung sửa đổi nhằm hòan thiện khung pháp lý này là vô cùng cần thiết. Như vấn đề xử lý tài sản không giải trình được về nguồn gốc một cách hợp lý, đã được đặt ra và thảo luận khi sửa đổi bổ sung Luật phòng chống tham nhũng năm 2018, nhưng đã chưa đạt được độ thống nhất cao để quy định trong luật, nên việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó khăn khi người phạm tội tẩu tán tài sản, hoặc chuyển tài sản tham nhũng cho người thân trước khi kết án có hiệu lực pháp luật vv.. và nhiều quy định khác nữa trong các đạo luật liên quan, những vấn đề như vậy cần tiếp tục đặt ra trong quá trình sửa đổi bổ sung luật./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon TÒA ÁN - CƠ QUAN QUAN TRỌNG TRONG THỰC THI VÀ BẢO VỆ CÔNG LÝ
Icon Tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Icon Một số vấn đề về tình hình tội phạm hiện nay
Icon VẤN ĐỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO GÂY Ô NHIẾM MÔI TRƯỜNG
Icon Vài nét về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Icon VỀ VẤN ĐỀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN
Icon TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VĂN KIỆN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG
Icon VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030.
Icon NÂNG NIU TẤT CẢ CHỈ QUÊN MÌNH
Icon CÁC HÌNH THỨC DÂN CHỦ - PHƯƠNG TIỆN QUAN TRỌNG THỰC HIỆN QUYỀN LÀM CHỦ CỦA NHÂN DÂN
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE