banner
Thứ 7, ngày 20/4/2024
MẤY VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH
3-12-2021
Trong quá trình phát triển, tổ chức các đơn vị hành chính nước ta thay đổi tùy thuộc vào từng giai đoạn của lịch sử, có lúc nhập các đơn vị lại có lúc lại tách ra. Sự nhập tách như vậy tuy có những tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, nhưng cũng nảy sinh những bất cập. Sau cách mạng tháng 8/1945, và sau hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, nước ta tiếp quản địa giới hành chính của các chế độ cũ, có ranh giới không rõ ràng, do thất lạc tài liệu, do xáo trộn trong chiến tranh (sau năm 1975 chúng ta thực hiện nhập các tỉnh, đến những năm 90 lại tiến hành chia tách lại như cũ), sự giao thoa chồng lấn địa giới hành chính giữa các địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý. Trước thực trạng đó năm 1991 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 364 về giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Quá trình thực hiện chỉ thị, đến năm 1995 vấn đề cơ bản đã được giải quyết, và đã tiến hành lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp làm căn cứ pháp lý cho việc xác định địa giới hành chính giữa các địa phương. Tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ, cũng như việc điều tra khảo sát, đo đạc chưa chính xác, mặt khác do sự phát triển kinh tế xã hội, cũng như sự vận động của tự nhiên cộng với sự xâm canh của người dân đã làm biến dạng hiện trạng, gây khó khăn cho công tác quản lý của các địa phương. Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 513/2012/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Hiến pháp năm 2013 đã có những điều chỉnh về thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, theo đó Quốc hội quyết định việc chia tách, nhập điều chính địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, còn cấp dưới tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Năm 2016 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1210 ngày 25/5/2016 về phân loại đô thị, và nghị quyết 1211 cùng ngày về tiêu chuẩn đơn vị hành chính, và phân loại đơn vị hành chính. Quá trình triển khai thực hiện Quyết định 513/2012/QĐ-TTg, Bộ nội vụ đã cùng với các bộ ngành địa phương, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo Chính phủ ban hành 8 nghị quyết giải quyết chồng lần về địa giới hành chính cấp tỉnh do lịch sử để lại. Quá trình thực hiện nghị quyết 1210 và 1211 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ nội vụ, các bộ ngành, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban pháp luật, HĐDT và các ủy ban của Quốc hội đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 85 nghị quyết về thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã.
MẤY VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

 Có thể nhìn nhận rằng, việc xây dựng và ban hành các văn bản QPPL về địa giới hành chính, và quản lý địa giới hành chính của nước ta cũng khá công phu, và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện, cũng còn bộc lộ những vấn đề cần được quan tâm sửa đổi, bổ sung, ban hành, mới để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cho vấn đề này, những vấn đề đó biểu hiện dưới những nét sau:

 Thứ nhất, Trong việc thực hiện Quyết định 513 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương chưa được đảm bảo về kinh phí, do vậy còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đo đạc, xác định địa giới...

 Thứ hai, các quy định pháp lý điều chỉnh về địa giới hành chính, nằm trong nhiều văn bản quy pháp pháp luật khác nhau như Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương... Chỉ thị 364/1995, Quyết định 513/2012/QĐ-TTg, Nghị quyết 1210 và 1211/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội... do vậy không tránh khỏi nhũng chống chéo, chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chẳng hạn như “Luật tổ chức quốc hội năm 2014 quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định giải thể chia tách, nhập điều chỉnh địa giới hành chính dưới tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Luật tổ chức chính quyền địa phương lại quy định thêm Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định giải thể thành lập, chia tách điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã” ... do vậy không tránh khỏi khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, mặt khác việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thường chậm, có lúc, có nội dung còn chưa phù hợp với luật, văn bản của cấp trên.

 Thứ ba, các quy định pháp lý còn thiếu quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính, quy trình thủ tục thành lập giải thể, sát nhập chia tách điều chỉnh địa giới hành chính chưa cụ thể, chi tiết, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

 Thứ tư, trong quá trình thi hành pháp luật quản lý, điều chỉnh địa giới hành chính còn nhiều hạn chế, như Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XIII có nhận định “Sự phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng còn thiếu liên kết và phối hợp, không gian kinh tế còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, quản lý phát triển kinh tế xã hội chưa xác định rõ định hướng và nhiệm vụ mang tính tổng thể, đồng bộ, liên vùng liên ngành, liên lĩnh vực, còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, lĩnh vực quản lý”. Chồng lấn về địa giới hành chính nhiều nơi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, các nguồn lực của địa phương chưa được khai thác có hiệu quả do sự chia cắt về quản lý, việc nhập chia tách diễn ra trong quá trình từ sau 1975, có ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội, quá trình thực hiện cải cách hành chính. Việc điều chỉnh sát nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 1210 và 1211 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có những mặt tích cực, nhưng cũng đang có những vấn đề đặt ra. Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XV đang chuẩn bị giám sát, trong chương trình giám sát năm 2022. Người dân ở các địa phương sát nhập, chia tách, điều chỉnh cũng có những tác động bởi thủ tục hành chính liên quan như các loại giấy tờ liên quan đến nhân thân, đến tài sản vv.. Để khắc phục những vấn đề trên nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý vể quản lý địa giới hành chính cần chú ý một số vấn đề sau:

 1/ Xác định rõ sự thống nhất, giữa thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thành lập, giải thể, sát nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã với một số vấn đề khác có liên quan như công tác lập quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khi ban hành các quy định pháp lý nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội.

 2/ Rà soát các quy định pháp lý về quản lý địa giới hành chính như quyết định 513 TTg, nghị quyết 1210 và 1211 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, để bổ sung sửa đổi hoặc ban hành mới theo hướng quy định rõ về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với từng loại đơn vị hành chính, nhất là các đơn vị hành chính đô thị và các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù của miền núi, tây nguyên, đồng thời xây dựng quy trình thẩm định việc nhập, chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, chặt chẽ và đầy đủ hơn.

 3/ Thực tiễn khi xem xét thành lập đơn vị hành chính đô thị trên cơ sở nâng đơn vị hành chính hiện tại ở các tỉnh miền núi, tây nguyên, thường gặp phải vấn đề tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, trong xu hướng hiện tại đang hướng về phát triển xanh, du lịch sinh thái, các địa phương này có lợi thế là rừng, rất phù hợp với xu hướng phát triển đó, giữ rừng tức là kinh tế nông nghiệp, như thế tỷ lệ lao động nông nghiệp sẽ giữ nguyên hoặc tăng lên, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp sẽ ít phát triển, bởi vậy khi thiết kế quy định pháp lý cần đặt trong bối cảnh này cho phù hợp với xu hướng này ở miền núi và tây nguyên.

4/ Tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính để các địa phương thực hiện việc lập bản đồ sơ đồ, đo đạc, cắm mốc... trong quá trình đó hết sức coi trọng việc hiện đại hóa trang thiết bị để đảm bảo tính nhanh chóng và tính chính xác. Đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp trong giải quyết các vấn đề giữa các địa phương như chồng lấn, xâm canh, hay có tranh chấp về địa giới hành chính./.

Tô Văn Tám  
Tin liên quan:
Icon SỰ PHÙ HỢP VỀ QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG TRONG TƯ PHÁP HÌNH SỰ GIỮA PHÁP LUẬT NƯỚC TA VỚI LUẬT PHÁP QUỐC TẾ
Icon VẤN ĐỀ PHÂN QUYỀN VÀ ĐỘC LẬP TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP.
Icon NHỮNG KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA VẤN ĐỀ TÀI SẢN CÔNG CỦA CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Ở NƯỚC TA
Icon VẤN ĐỀ BẢO VỆ CÔNG LÝ TRONG QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TA.
Icon VỀ VẤN ĐỀ BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH.
Icon VẤN ĐỀ QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA THANH NIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT THANH NIÊN (Sửa đổi)
Icon VẬN DỤNG NHẬN THỨC VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ TRONG ĐẤU TRANH PHÒNG VÀ CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT
Icon VẤN ĐỀ BỔ SUNG CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP CHO PHÒNG KỸ THUẬT HÌNH SỰ THUỘC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Icon VẤN ĐỀ VỀ HÒA GIẢI VIÊN TRONG DỰ THẢO LUẬT HÒA GIẢI ĐỐI THOẠI TẠI TÒA ÁN
Icon GIÚP THƯỜNG TRỰC HĐND THỰC HIỆN PHIÊN GIẢI TRÌNH: CÁC BAN HAY VĂN PHÒNG HĐND
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE