banner
Thứ 7, ngày 20/4/2024
Quốc hội thảo luận về Kinh tế - Xã hội
1-6-2023
Sáng ngày 31/5/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Quốc hội thảo luận về Kinh tế - Xã hội
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận

Tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám cùng 26 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu, tranh luận.

Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh thống nhất nội dung báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp, chia sẻ trước những khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành và các cấp chính quyền trong năm 2022 và thời gian đầu năm 2023. Dự báo từ nay đến cuối năm 2023, công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, các địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức... Đại biểu Phạm Đình Thanh đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần quan tâm chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới như sau:

Trước hết, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay việc rà soát, làm rõ nguyên nhân, từ đó triển khai quyết liệt các giải pháp phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm thời gian qua. Trong 4 tháng đầu năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 14,66% kế hoạch là thấp. Đây là áp lực lớn của việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Với nhiệm vụ rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách pháp luật, Chính phủ đã nêu trong báo cáo trình Quốc hội, đề nghị ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay những bất cập của cơ chế, chính sách của các quy định, hướng dẫn liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm giúp cho các bộ, ngành, các địa phương triển khai thực hiện các chương trình này đạt về tiến độ, đảm bảo về chất lượng và hiệu quả.

Quang cảnh buổi thảo luận

Về vấn đề phát triển vùng Tây Nguyên, ngày 06/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 23 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 15/11/2022, Chính phủ đã có Nghị quyết số 152 ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị để giúp cho vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững. Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị Chính phủ: Một là, sớm quan tâm chỉ đạo rà soát, có các cơ chế, chính sách cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại và là lực cản rất lớn đối với việc phát triển của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay. Như việc chưa có quy định phù hợp về phân cấp, phân quyền, quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng đang là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai các dự án và cũng là nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua. Việc chồng lấn đất sản xuất nông nghiệp của người dân với diện tích đất giao cho nông, lâm trường và các ban quản lý rừng quản lý. Việc người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp đã được các tỉnh Tây Nguyên báo cáo, kiến nghị nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách giải quyết thỏa đáng. Hai là, đề nghị sớm ban hành các chính sách phù hợp triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu; có sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Tây Nguyên khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế hiện có về nguồn năng lượng tái tạo để phát triển các dự án lớn về điện gió, điện mặt trời nhằm từng bước giúp Tây Nguyên trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trước mắt, cần xem xét, tháo gỡ ngay những vướng mắc để huy động một sản lượng điện rất lớn của các dự án điện gió, điện mặt trời đã được đầu tư hoàn thành nhưng chưa thể phát điện lên lưới do vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Việc này đang khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, điêu đứng và là sự lãng phí lớn nguồn lực của đất nước. Ba là, về phát triển hạ tầng giao thông, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các tuyến cao tốc đã có chủ trương đầu tư, cần sớm quan tâm xem xét, bổ sung tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch, làm cơ sở thực hiện việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này để phục vụ tốt cho phát triển vùng, liên kết vùng, đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước, với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và các nước ASEAN theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 23 ngày 6/10/2022. Nội dung này hai tỉnh đã có báo cáo đề xuất tại Văn bản 1707 ngày 19/4/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi gửi Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, rất mong được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quan tâm, xem xét.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu, tranh luận về hiện tượng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm và các giải pháp để khắc phục hiện tượng này./.

Hồ Nam, VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về lấy phiếu tín nhiệm
Icon Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp
Icon Cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực y tế cơ sở
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận các dự án luật
Icon Quốc hội thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Icon Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm nhiều vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước
Icon Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng thủ dân sự
Icon Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 5
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE