banner
Thứ 4, ngày 17/4/2024
Đẩy nhanh giải ngân vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia
2-6-2023
Chiều ngày 01/6/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành nội dung của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Tại phiên thảo luận này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Nàng Xô Vi cùng 18 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu.
Đẩy nhanh giải ngân vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia
ĐBQH Nàng Xô Vi phát biểu thảo luận

Theo đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần giải quyết có trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội. Công tác triển khai thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo được những bước chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân được nâng lên, môi trường ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn và vướng mắc, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu của chương trình. Đại biểu Nàng Xô Vi đồng tình với các ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 và đánh giá đối với tồn tại, hạn chế, lãng phí trong việc thực hiện triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đại biểu Nàng Xô Vi tiến độ xây dựng, ban hành chính sách và các quy định về quản lý, tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các bộ, ngành trung ương chưa đồng bộ, kịp thời. Một số thông tư, văn bản hướng dẫn của cấp bộ còn thiếu và chưa chi tiết, chưa phù hợp với quy định theo pháp luật chuyên ngành, gây khó khăn và ảnh hưởng đến việc triển khai, phân bổ, giao kế hoạch thực hiện giải ngân vốn các chương trình tại địa phương, đặc biệt là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thực hiện chỉ tiêu theo bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 còn gặp khá nhiều khó khăn, với nhiều chỉ tiêu đạt chuẩn tương đối cao và bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu mới so với giai đoạn trước nên cần phải có thời gian để tổ chức thực hiện. Việc phân bổ, thực hiện và giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cũng đang gặp khó khăn. Mặc dù Trung ương đã phân bổ từ tháng 6/2022 và cấp tỉnh đã kịp thời hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn địa phương, tuy nhiên việc phân bổ chi tiết để triển khai thực hiện vẫn phải tiếp tục chờ quy định, hướng dẫn của cả cấp trung ương và địa phương, như là quy định về quản lý và sử dụng vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình, do đó trong năm 2022 nhiều địa phương không thể thực hiện được hoặc là thực hiện giải ngân vốn chưa đạt kế hoạch.

Quang Cảnh buổi thảo luận chiều ngày 01-6-2023

Đại biểu Nàng Xô Vi đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu thực hiện việc ra thông báo dự kiến kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 để địa phương có cơ sở hoàn thiện kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cũng như rà soát và cân đối nguồn lực của địa phương để đối ứng, lồng ghép thực hiện theo quy định. Tình trạng giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia sau khi cấp tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như vừa qua đã gây khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện các chương trình. Thứ hai, cần quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định hiện nay. Xem xét thống nhất chủ trương cho phép địa phương thực hiện điều chuyển nguồn vốn sự nghiệp giữa các dự án thuộc các chương trình đảm bảo phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Thứ ba, Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp với các đối tượng trong thời gian chuyển tiếp của chính sách từ các xã khu vực 2, khu vực 3 nay chuyển lên khu vực 1 theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời sớm hoàn thành việc đánh giá có lộ trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do việc điều chỉnh chính sách các xã, thôn khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Icon Quốc hội thảo luận về Kinh tế - Xã hội
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận về lấy phiếu tín nhiệm
Icon Cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp
Icon Cần có chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực y tế cơ sở
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận các dự án luật
Icon Quốc hội thảo luận về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
Icon Quốc hội thảo luận dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Icon Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm nhiều vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE