banner
Thứ 4, ngày 24/4/2024
Giải pháp nào thu hồi nợ đọng thuế trong năm 2014?
19-11-2014

Do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp không ít khó khăn, tình trạng nợ đọng thuế ngày một gia tăng, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trong năm 2013 có 194 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận thành lập, với tổng vốn đăng ký là 1.352 tỷ đồng, có 18 doanh nghiệp giải thể. Trong hơn 1.800 doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ có khoảng 51% doanh nghiệp hoạt động có lãi, số còn lại hoạt động cầm chừng, kinh doanh không hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các doanh nghiệp trong tỉnh đều có quy mô nhỏ, khâu tổ chức sản xuất kinh doanh yếu, phương án sản xuất thiếu khả thi, thiếu vốn kinh doanh, mặc dù lãi suất ngân hàng giảm và có nhiều chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng nhưng ít doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện vay vốn... Dẫn đến thực trạng chung của các doanh nghiệp trong tỉnh là hàng hóa tồn kho lớn, khó tiêu thụ, khả năng cạnh tranh kém, nợ đọng thuế ngày một tăng, không có khả năng thanh toán,...

Trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách địa phương và khó khăn trong việc chống thất thu thuế. Để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong năm 2013 UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế, tài chính, UBND các huyện, thành phố thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, rà soát các khoản thu, tận thu và tăng thu từ các dự án đã giao đất; đôn đốc thu các khoản nợ đọng, chống thất thu ngân sách, tăng cường công tác quản lý nợ thuế; kiên quyết xử lý các trường hợp chây ì, nợ thuế quá hạn. Đặc biệt đã thành lập Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu hồi nợ đọng NSNN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tổng số nợ đọng thuế toàn tỉnh đến ngày 31/12/2013 là 272.916 triệu đồng, tăng 25.536 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2012. Trong đó nợ đọng thuế khó thu 34.260 triệu đồng (trong đó, doanh nghiệp không còn hoạt động, giải thể, phá sản,... còn nợ 28.131 triệu đồng, chiếm 82%), chiếm tỷ lệ 2,2% trên dự toán thu năm 2013, tăng 17.481 triệu đồng so với nợ đến 31/12/2012; Nợ đọng thuế chờ xử lý 2.165 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,14% trên dự toán thu năm 2013 giảm 1.609 triệu đồng so với 31/12/2012; Nợ có khả năng thu 236.391 triệu đồng chiếm tỷ lệ 15,3% trên dự toán thu năm 2013, tăng 7.887 triệu đồng so với nợ đến 31/12/2012.

Dự báo tình hình kinh tế năm 2014 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định, không ít doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể khiến cho việc thu nợ đọng thuế càng thêm khó khăn. Mục tiêu đặt ra của ngành thuế là phấn đấu đến cuối năm 2014, tỷ lệ nợ thuế giảm xuống còn 5% trên tổng thu ngân sách. Đây là một nhiệm vụ hết sức năng nề, đòi hỏi sự nỗ lực cao của ngành thuế, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2014. Trước tình hình trên, ngày 13/03/2014, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, thu nợ thuế năm 2014 nhằm đánh giá công tác quản lý, thu nợ thuế năm 2013, hội nghị tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình nợ đọng thuế, nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thu nợ thuế năm 2014, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu đề ra.

Về giải pháp thu hồi nợ đọng thuế năm 2014, theo báo cáo của UBND tỉnh cho biết: Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ, HĐND tỉnh về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, UBND tỉnh chỉ đạo ngành thuế, các đơn vị có liên quan xây dựng lộ trình xử lý nợ đọng thuế, đồng thời giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, cụ thể: Ngành thuế tập trung rà soát, phân loại, củng cố hồ sơ để áp dụng các biện pháp thu hồi nợ theo quy định. Trong đó đối với nhóm nợ khó thu: Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xác minh xử lý theo quy định; rà soát, kiểm tra và tổng hợp các khoản nợ của các đơn vị đăng ký thành lập nhưng không hoạt động, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy phép, xử lý theo quy định; Đối với các khoản nợ có khả năng thu, tiến hành rà soát, phân loại đối tượng nợ để áp dụng các biện pháp thích hợp theo quy trình quản lý nợ thuế và theo quy định của Luật Quản lý thuế, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thu nợ đọng theo lộ trình.

Ngoài ra, tùy theo từng loại đối tượng nợ đọng thuế để áp dụng các biện pháp thu cho phù hợp. Đối với các doanh nghiệp đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách còn nợ đọng lớn cần tổ chức làm việc với đơn vị xác định nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm đảm bảo vừa thu nợ đọng thuế vừa hỗ trợ đơn vị vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu; Thực hiện cưỡng chế thu nợ thuế và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình chây ỳ, nợ thuế kéo dài; điều tra, xử lý các trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo quy định.

Bên cạnh những biện pháp thu nợ đọng thuế nói trên, ngành thuế cũng cần quan tâm đến một số giải pháp sau: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp đôn đốc, thu nợ đọng thuế, thực hiện giao chỉ tiêu thu nợ đến từng Chi Cục thuế, bộ phận và cán bộ quản lý nợ nhằm tăng cường các biện pháp theo dõi, xử lý nợ thuế có hiệu quả, hạn chế gia tăng nợ mới; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có nợ đọng thuế cao, báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các doanh nghiệp. Công tác thanh tra, kiểm tra thuế phải thực hiện đúng luật, công khai, minh bạch, hoạt động của đoàn thanh tra, kiểm tra phải được theo dõi, giám sát hạn chế tiêu cực, gây khó khăn và nhũng nhiễu cho doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy cơ quan thuế, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thi hành công vụ của cán bộ thuế, nhất là bộ phận quản lý thuế; có chính sách khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc, những gương điển hình về quản lý, thu nợ thuế./.

Xuân Khánh  
Tin liên quan:
Icon THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, THƯ CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP
Icon HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI BỔ SUNG NĂM 2013 VÀ VIỆC ĐƯA HIẾN PHÁP VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG Ở TỈNH TA
Icon SỰ LỰA CHỌN CỦA LỊCH SỬ
Icon Nâng cao chất lượng giám sát - nhìn từ thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE