banner
Thứ 6, ngày 19/4/2024
Bộ Công an và Bộ Lao động- Thương Binh và Xã hội trả lời kiến nghị cử tri Kon Tum trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
20-11-2014

1. Cử tri kiến nghị:

Hiện nay có nhiều trường hợp bị mất hoặc hết thời hạn cần cấp lại giấy Chứng minh nhân dân mới nhưng theo quy định tại điểm c, mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA, ngày 29/4/1999 quy định thủ tục xin cấp lại Chứng minh nhân dân cần “xuất trình hộ khẩu thường trú”, tuy nhiên nhiều trường hợp ngày sinh trong Chứng minh nhân dân và ngày sinh trong sổ hộ khẩu thường trú không khớp nhau thì phải xuất trình giấy khai sinh bản chính. Do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là đối với những người cao tuổi vùng miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc có giấy khai sinh bản chính để đăng kí làm lại giấy Chứng minh nhân dân là khó thực hiện. Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, xem xét sửa đổi Thông tư 04/1999/TT-BCA, ngày 29/4/1999 để các đối tượng trên được cấp lại Chứng minh nhân dân.

Bộ Công an trả lời:

Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BCA, ngày 23/9/2013 của Bộ Công an về hợp nhất Nghị định số 05/1999/NĐ-CP, ngày 03/02/1999 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 170/2007/NĐ-CP, ngày 19/11/2007 và Nghị định số 106/2013/NĐ-CP, ngày 17/9/2013 của Chính phủ về công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân thì việc điều chỉnh thông tin trên Chứng minh nhân dân cần căn cứ theo thông tin trên sổ hộ khẩu; nếu có sự chênh lệch thông tin về ngày sinh trong hồ sơ cấp Chứng minh nhân dân với ngày sinh ghi trên sổ hộ khẩu thì công dân cần xuất trình giấy khai sinh, hoặc bản sao khai sinh tại thời điểm sinh, hoặc giấy khai sinh đăng ký lại, cấp lại hoặc quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh của cơ quan có thẩm quyền. Sau khi đã điều chỉnh thông tin về ngày sinh trong sổ hộ khẩu thống nhất với thông tin về ngày sinh trên giấy khai sinh, bản sao khai sinh tại thời điểm sinh, giấy khai sinh đăng ký lại, cấp lại hoặc quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh của cơ quan có thẩm quyền thì tiến hành điều chỉnh thông tin về ngày sinh trên Chứng minh nhân dân cho công dân.

Như vậy, trường hợp ngày sinh trong Chứng minh nhân dân nhân và ngày sinh trong sổ hộ khẩu thường trú không khớp nhau thì không nhất thiết phải xuất trình giấy khai sinh bản chính mà công dân có thể xuất trình bản sao giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh đăng ký lại, cấp lại, hoặc quyết định thay đổi ngày tháng năm sinh của cơ quan có thẩm quyền để làm căn cứ điều chỉnh thông tin về ngày sinh trong sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân cho công dân.

Thời gian tới, sau khi Luật Căn cước công dân được ban hành, Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn, trong đó sẽ có quy định cụ thể về vấn đề này và các vấn đề khác có liên quan đến công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất cao trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác cấp, quản lý Chứng minh nhân dân.

2. Cử tri kiến nghị:

Hiện nay có một số chính sách của Nhà nước (như chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, chính sách bảo hiểm y tế, chính sách miễn giảm học phí, h trợ chi phí học tập,...) mới chỉ dành cho đối tượng sinh sống ở các xã vùng cao, tại khu vực không phải là đô thị, tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.... được hưởng; còn những đối tượng (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) sinh sống ở thị trấn, phường thì không được hưởng, trong khi điều kiện sống, mức sống và thu nhập của họ so với các đối tượng sinh sống ở các xã vùng cao, tại khu vực không phải là đô thị, không cao hơn bao nhiêu, làm cho họ rất bị thiệt thòi, không có điều kiện để ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe, học tập, phát triển sản xuất... Vì vậy đề nghị Chính phủ, các bộ ngành khi xây dựng chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cần tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng điều kiện KT-XH, đời sống, thu nhập của nhân dân ở từng vùng, miền để quy định, điều chỉnh chính sách với từng đối tượng và địa bàn cho phù hợp.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời:

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo cho giai đoạn 2011-2015 tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011, là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội gia đoạn 2011 -2015.

Tuy nhiên do tình hình lạm phát những năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, dẫn đến giá trị thực tế của chuẩn nghèo không bảo đảm, một bộ phận được coi là thoát nghèo nhưng đời sống còn hết sức khó khăn.

Mặt khác việc xác định chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011- 2015 dựa chủ yếu trên cơ sở tính toán mức thu nhập của hộ gia đình, nhất là đối với những hộ gia đình phát sinh những khoản chi tiêu đáng kể trong năm do bị ốm đau, bệnh tật hoặc chi phí cho con em đi học...

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 phù hợp hơn theo định hướng tiếp cận chuẩn nghèo theo hướng đa chiều để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành quyết định. Phương pháp tính toán, xác định chuẩn nghèo sẽ mang tính tổng hợp, dựa trên các chỉ số như thu nhập, y tế, giáo dục, nhà ở... Trong cách xác định chuẩn nghèo theo phương pháp đa chiều thì thu nhập chỉ là một trong những chỉ số để xác định hộ gia đình có phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay không. Phương pháp này sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc còn tồn tại trong cách xác định chuẩn nghèo giai đoạn 2011- 2015 tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg, đồng thòi phản ánh chính xác hơn tình trạng nghèo của các hộ gia đình.

3. Cử tri kiến nghị:

Thành quả của công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và kết quả của hơn 25 đổi mới có một phần đóng góp công sức, hy sinh của cán bộ công nhân viên nghỉ hưu trong thời kỳ trước tháng 9/1985 (theo nghị định 235/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đông Bộ trưng); nghỉ hưu thời kỳ trước tháng 4/1993 (theo nghị định 25/CP và nghị định 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ). Hiện nay lương hưu hàng tháng của các đối tượng này thấp so với thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội và số đối tượng này, hiện nay còn sống không nhiều. Vì vậy, Đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu để có chính sách tăng lương cho các đối tuợng này.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời:

Một trong những nguyên tắc khi thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội là “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại điều 53. Luật BHXH “Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của ch số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế”. Tuy nhiên khi thực hiện để bảo đảm đời sống của người nghỉ hưu, Chính phủ thường điều chỉnh cao hơn quy định này.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã điều chỉnh để giảm bớt chênh lệch lương hưu qua các thời kỳ. Tuy nhiên, qua mỗi lần cải cách tiền lương thì mức hưởng của những người tại chức thường được cải thiện hơn so với trước đó, vì vậy mức lương hưu của người nghỉ hưu tuy đã được quan tâm điều chỉnh nhằm đảm bảo sự tương quan về mức lương hưu giữa các thời kỳ nhưng cũng chưa xử lý triệt để được.

Ngoài ra, đối với những người đã từng tham gia kháng chiến, người có công lao, thành tích đóng góp cho cách mạng thì ngoài chính sách bảo hiểm xã hội còn thực hiện các chính sách ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng./.

Minh Tú  
Tin liên quan:
Icon Ủy ban Dân tộc và Bộ Giáo dục - Đào tạo trả lời ý kiến cử tri tỉnh Kon Tum tại kỳ họp thứ 7
Icon Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải trả lời ý kiến cử tri Kon Tum gửi đến kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII
Icon UBND tỉnh Kon Tum trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Icon UBND tỉnh Kon Tum trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X.
Icon UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri tại Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII của Đoàn ĐBQH tỉnh
Icon Văn phòng Quốc hội trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 (tiếp theo)
Icon Các Bộ, ngành Trung ương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum sau kỳ họp thứ 5, 6- Quốc hội khóa XIII
Icon Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Icon UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X
Icon Rừng thông 35 năm tuổi “kêu cứu”
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE