Sau khi nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 36 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 23 lượt đại biểu tranh luận đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, 14 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công an, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về các nội dung chủ yếu sau: Kiểm soát nợ nước ngoài; hoàn thiện chính sách thuế; chống thất thu thuế; xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương quản lý; phát triển ngành công nghiệp ô tô; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; quy hoạch và xây dựng công trình thủy điện, bồi thường thiệt hại do xả lũ; cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo; chính sách phát triển nhà ở xã hội; quản lý trật tự xây dựng đô thị; Ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp, làng nghề; quản lý, sử dụng đất công; Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng và thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; biên chế ngành giáo dục, y tế xã, phường, thị trấn; chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển ngành công nghiệp dược; phát triển du lịch; khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội; Cải cách thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; kiểm tra hoạt động công vụ; Công tác phòng, chống tham nhũng; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử; thi hành án hành chính; bồi thường oan sai; …
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về Thủ tục hành chính của chúng ta đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn rườm rà, vẫn còn là rào cản cho doanh nghiệp và khó khăn cho người dân. Một yêu cầu quan trọng trong thúc đẩy quá trình phát triển là việc xử lý đồng bộ giữa cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế với cải cách hành chính công, Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu cho Chính phủ giải quyết yêu cầu trên? Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về Thời gian qua hoạt động của ngành kiểm sát đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn 3.368 tố giác vi phạm, thời gian giải quyết tăng 193%. Số vụ Tòa án trả hồ sơ và Viện Kiểm sát chấp nhận điều tra bổ sung là 1.590 vụ, nhiều gấp 2 lần số vụ Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, vẫn còn truy tố oan sai. Thực trạng đó cho thấy vấn đề chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, trách nhiệm của Viện trưởng đối với thực trạng trên, nguyên nhân và giải pháp khắc phục?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời chất vấn như sau: Như các đại biểu biết là cải cách thủ tục hành chính là một trong những vấn đề rất quan trọng. Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 30c của Chính phủ và Quyết định 6225, từ nay cho đến năm 2020 chúng ta phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ trong thời gian sắp tới để thực hiện được chủ trương này và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân thì Bộ Nội vụ đã tham mưu và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau: Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị thực hiện nhà nước trong công tác thanh tra, kiểm tra và phát huy về quá trình hoạt động của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng như tổ công tác của các bộ trưởng và các Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở cấp tỉnh. Thứ hai, tiếp tục triển khai đồng bộ nội dung cải cách hành chính theo quy định tại Nghị quyết 30c và Quyết định 225 của Thủ tướng Chính phủ trong việc chúng ta thực hiện quán triệt nghiêm túc về kết luận của Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thứ ba, Bộ Nội vụ đề nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, trong đó chủ yếu xây dựng thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và thể chế về mặt tổ chức hoạt động của các nền hành chính. Thứ tư, đẩy mạnh vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính và khẩn trương củng cố, kiện toàn mô hình một cửa của các bộ, ngành và địa phương theo đúng tinh thần Nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính cũng như tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về vấn tinh giản và sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Đề nghị đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử để tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đó là một số nhiệm vụ cơ bản mà Bộ Nội vụ đã kiến nghị với Chính phủ để thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trả lời chất vấn như sau: Tôi xin báo cáo giải trình về ý kiến của đại biểu có 2 nội dung, đại biểu băn khoăn, lo lắng về chất lượng kiểm sát điều tra thì trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp có nhận định là một số Viện Kiểm sát nhân dân chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm dẫn đến có 3368 tố giác tin báo vi phạm thời hạn giải quyết nên lo lắng có tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm và lo lắng về chất lượng kiểm sát điều tra. Xin báo với đại biểu cũng như Quốc hội, tôi xin cung cấp một số thông tin để đại biểu cũng như Quốc hội an tâm, không đến nỗi phải lo như thế vì có những con số cần phải được báo cáo thêm. Một, hiện nay theo Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chặt chẽ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Giống như việc thụ lý hồ sơ của một vụ án hình sự. Tôi khẳng định nó chặt chẽ như thế. Hai, hiện nay số lượng tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố gây áp lực rất lớn và cơ quan điều tra công an cũng như Viện kiểm sát coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của hai cơ quan trong việc xử lý yêu cầu này. Thực tế trong năm 2018 thực hiện việc này toàn ngành đã tập trung và đã kiểm soát giải quyết 120.142 tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tăng 6.627 tin báo tội phạm, tăng 5,83% so với cùng kỳ năm 2017. Đã trực tiếp kiểm soát giải quyết tin báo tố giác tội phạm khi khởi tố 1.218 lượt, tăng 13,2%. Đã ban hành 1.225 bản kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật, tăng 17,7%. Yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 665 vụ, tăng 31,2%. Tôi nói con số này lên để muốn nói rằng thực sự cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã quan tâm và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này một cách nghiêm túc. Tất nhiên do thực tế của tình hình tội phạm, chúng ta phải xử lý giống một quy trình chặt chẽ như vậy, nó là một áp lực rất lớn đối với cơ quan điều tra.
Xử lý tin báo tố giác tội phạm là nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan điều tra, còn kiểm sát là kiểm sát quá trình thụ lý giải quyết tin báo tố giác đó. Chuyện có 3.386 phát hiện vi phạm thời hạn giải quyết đó chính là Viện kiểm sát các cấp phát hiện chậm thời hạn đó. Trong khi phát hiện như vậy thì Viện kiểm sát đã kịp thời ban hành 1.225 kiến nghị để cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, tăng tới 184 kiến nghị và 17,7% so với năm 2017. Như vậy việc vi phạm thời hạn này nhưng đã được phát hiện và đã có một lượng kháng nghị, 1.225 kiến nghị như thế thì chúng ta an tâm không để bỏ lọt tội phạm.
Thứ hai, quá trình xử lý tin báo tố giác tội phạm, người khởi tố tăng nhưng Viện kiểm sát đã tăng cường các biện pháp như tôi nêu trên để đảm bảo giải quyết của cơ quan điều tra đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hạn chế những tồn tại giảm dần và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Xin báo cáo đại biểu, với tinh thần, con số và xử lý như thế thì đây là chuyện có chậm nhưng phát hiện kịp thời và đã có lượng kiến nghị như thế để đảm bảo không lọt tội phạm.
Việc thứ hai là đại biểu có băn khoăn tòa trả số lượng hồ sơ gấp đôi đối với Viện Kiểm sát khi Viện Kiểm sát trả cho cơ quan công an. Tôi xin báo cáo với đại biểu, trong quá trình thực hiện tố tụng, kiểm sát sẽ kiểm sát quá trình tin báo tố giác tội phạm và khởi tố điều tra của cơ quan điều tra trong quá trình truy tố. Nhưng tới giai đoạn xét xử, cơ quan điều tra của công an và viện kiểm sát là một. Chuyện tòa trả viện kiểm sát gấp đôi mà công an, kiểm sát trả lại cho tòa có một là chuyện tất yếu. Bởi tới giai đoạn xét xử ý chí cơ quan điều tra công an và Viện Kiểm sát là truy tố, đã thống nhất cao. Việc tòa trả cao hơn chuyện kiểm sát trả công an bởi vì giai đoạn này công an và kiểm sát đã thống nhất với nhau rồi. Con số này cũng là tất yếu trong quá trình tố tụng.
Theo Chương trình Kỳ họp, trong 2 ngày 31/10 và 01/11/2018, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường về chất vấn và trả lời chất vấn./.