banner
Thứ 4, ngày 4/12/2024
HĐND thành phố Kon Tum tổ chức Kỳ họp thứ 11
19-12-2020
Trong 02 ngày (từ 17-18/12/2020), HĐND thành phố Kon Tum Khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã tổ chức Kỳ họp thứ 11 để đánh giá tình hình KT-XH năm 2020; xem xét, miễn nhiệm Ủy viên UBND, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố và thông qua 14 nghị quyết.
HĐND thành phố Kon Tum tổ chức Kỳ họp thứ 11
Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: VM

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Đức Tuy-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Kon Tum; Hồ Văn Đà-Trưởng Ban KT-NS HĐND tỉnh; đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn thành phố Kon Tum; lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, các phòng, ban, mặt trận, đoàn thể; đại diện cử tri 21 xã, phường của thành phố…và các 25/30 vị đại biểu HĐND thành phố Kon Tum Khóa XI.

Trong phiên khai mạc, kỳ họp đã nghe UBND thành phố báo cáo tình hình KT-XH, QP-AN năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021; về phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các công trình trên địa bàn thành phố Kon Tum; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021 của thành phố Kon Tum; về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Khóa XI... và thông báo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố về tham gia xây dựng chính quyền.

Theo báo cáo của UBND thành phố Kon Tum: Tình hình KT-XH trên địa bàn thành phố đạt được những kết quả nhất định. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 2,8%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt khoảng 12.680 tỷ đồng, tăng 6,4% so với năm 2019. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 50 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 1.749.412 triệu đồng, đạt 69,4% dự toán HĐND thành phố giao. Năm 2020, đã thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1.427 tỷ đồng; phát triển mới hơn 730 hộ kinh doanh và 07 hợp tác xã; có 6/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu nghị quyết HĐND thành phố đề ra...và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư ước đạt 98,3% kế hoạch. Công tác quản lý trật tự đô thị, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường được quan tâm chỉ đạo quyết liệt; bộ mặt đô thị và nông thôn thành phố có nhiều chuyển biến.

An sinh xã hội được bảo đảm; chất lượng y tế, giáo dục, văn hoá được nâng lên; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt khoảng 85%; tỷ lệ "Thôn, làng, tổ dân phố văn hóa" đạt 87,5%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; dự kiến hoàn thành mục tiêu giảm 1,0% tỷ lệ hộ nghèo. Cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Công tác giải phóng mặt bằng chậm được tháo gỡ; quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản chưa chặt chẽ; tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến an toàn giao thông vẫn còn tồn tại; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định; một số loại tội phạm có dấu hiệu gia tăng như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm về ma túy..., đặc biệt là tình trạng sử sụng chất kính thích, ma túy trong một bộ phận thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị, địa phương chưa thật quyết liệt; tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, có mặt chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn; một vài đơn vị vẫn còn tình trạng không sát công việc; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc chưa tốt; một số công chức, viên chức thiếu nhiệt tình trong công việc... một bộ phận thanh thiếu niên vẫn lười lao động, dễ bị lợi dụng, lôi kéo vào tệ nạn xã hội.

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch năm 2021 đã đề ra là: Tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 54 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.000 tỷ đồng; xây dựng xã Chư Hreng đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,87%... và tỷ lệ hộ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh trên 97%, HĐND thành phố đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là: Huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ để thành phố Kon Tum đạt đô thị loại II vào năm 2025. Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về quy hoạch; đẩy mạnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất các vị trí đất phù hợp với quy hoạch, tạo nguồn thu đầu tư kết cấu hạ tầng.

Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng nguyên liệu, các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế; phát triển ngành nuôi trồng thuỷ sản; thực hiện đề án phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Đăk Rơ Wa.

Tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển ổn định. Mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất để tạo nguồn thu.

Gắn việc củng cố, phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển du lịch. Phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng và hạ tầng thiết yếu để phục vụ du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, dịch vụ. Khai thác tốt tiềm năng, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch cộng đồng, dã ngoại trên cơ sở khai thác tiềm năng thiên nhiên, sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng nâng cao chất lượng dân số và cân bằng giới tính; đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; giải quyết kịp thời vấn đề đất ở, đất sản xuất cho nhân dân.

Triển khai thực hiện đạt kết quả các kế hoạch, phương án về đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội năm 2021, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; làm tốt công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên vi phạm pháp luật.

Kỳ họp đã xem xét cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với bà Ngô Thị Hoàng Anh do chuyển công tác và ông Trần Thắng nghỉ hưu theo chế độ. Đồng thời xem xét, miễn nhiệm Ủy viên UBND thành phố Kon Tum đối với ông Nguyễn Mạnh Thường, nguyên Trưởng Phòng Nội vụ do chuyển về làm Chủ tịch UBND phường Duy Tân.

Kỳ họp đã tiến hành thảo luận, chất vấn và thống nhất thông qua 14 nghị quyết.

TH  
Tin liên quan:
Icon HĐND huyện Ia H’Drai tổ chức Kỳ họp thứ 10
Icon HĐND huyện Ngọc Hồi họp bất thường bầu Phó Chủ tịch UBND huyện
Icon HĐND huyện Sa Thầy họp bất thường bầu Chủ tịch UBND huyện
Icon HĐND huyện Ia H’Drai họp bất thường bầu Chủ tịch UBND huyện
Icon HĐND thành phố Kon Tum họp bất thường miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân
Icon HĐND thành phố Kon Tum tổ chức Kỳ họp thứ 9
Icon HĐND HUYỆN KON RẪY THÔNG QUA 9 NGHỊ QUYẾT TẠI KỲ HỌP THỨ 9
Icon Thường trực HĐND thành phố Kon Tum tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân
Icon Kỳ họp thứ 8, HĐND huyện Sa Thầy khóa X
Icon Khai mạc Kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Kon Tum
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE