Quốc hội thảo luận Tổ đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
4-11-2022
Buổi sáng ngày 03-11-2022, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở Tổ đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là đạo luật lớn, quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội. Việc sửa đổi Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Quang cảnh buổi thảo luận Tổ
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và Tiền Giang thảo luận tại Tổ số 18. Đồng chí U Huấn - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum chủ trì buổi thảo luận.
Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Thu Phước và Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 20 ý kiến thảo luận về việc bồi thường giải phóng mặt bằng; thẩm quyền quyết định giá bồi thường khi thu hồi đất; việc thực hiện quy định tái định cư nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; quy định về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; cần phân tích, đánh giá, làm rõ hơn tác động và sự tương thích của Luật đất đai (sửa đổi) với các luật có liên quan (Luật đấu thầu, Luật quy hoạch,...); vấn đề góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quy định của luật cần cụ thể, hạn chế việc giao cho Chính phủ quy định;....
ĐBQH Phạm Đình Thanh phát biểu tại buổi thảo luận Tổ
Đại biểu Phạm Đình Thanh có ý kiến, thứ nhất nội dung giải thích từ ngữ tại khoản 20, Điều 3 Dự thảo luật đã thể hiện được phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW, tuy nhiên cần cân nhắc để quy định rõ việc sử dụng thông tin về giá đất phổ biến trên thị trường trong khoảng thời gian nhất định thì lấy thông tin về giá đất từ nguồn nào? Và khoảng thời gian nhất định là 1 năm, 2 năm hay 5 năm… Thứ hai, để có chính sách phù hợp nhằm khai thác, sử dụng đất nông nghiệp với hiệu quả cao nhất theo quan điểm được xác định tại Nghị quyết 18-NQ/TW, cần nghiên cứu quy định gộp 3 loại đất: đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất chăn nuôi tập trung ở các điểm a, b, d khoản 1 Điều 11 Dự thảo Luật thành 1 loại đất là đất nông nghiệp để tạo thuận lợi cho người dân linh hoạt trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển nông nghiệp với hiệu quả cao nhất và đáp ứng với yêu cầu của thị trường; thứ ba là nên nghiên cứu quy định thống nhất giữa luật đất đai (sửa đổi) với Luật đầu tư năm 2020 về việc giao đất, cho thuê đất trong trường hợp chấp thuận đầu tư và quy định thống nhất giữa Luật đất đai (sửa đổi) với Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về thời điểm có hiệu lực của giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch, kinh doanh bất động sản và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.