Rừng thông “kêu cứu”
Theo chỉ đường của người dân, chúng tôi men theo con đường mòn sau trường THPT Dân tộc nội trú huyện Đắk Glei và có mặt tại tiểu khu 96, thuộc khu vực thôn Đông Thượng xã Đăk Pét và thôn Đông Sông thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei). Tại hiện trường, nhiều cây thông có đường kính từ 30-50cm mới bị chặt hạ đang còn rỉ nhựa, cành và ngọn cây nằm la liệt chắn cả đường đi. Nhiều gốc thông lớn đã được cưa thành từng khúc từ 3-4 m đang chờ được chuyển đi. Tại khoảng rừng thuộc địa phận thôn Đông Thượng, xã Đắk Pét, các đồi thông chỉ còn lèo tèo vài cây nhỏ. Ngoài những gốc cây thông lớn mới bị đốn hạ thì bên cạnh đó là hàng loạt những gốc thông to bị chặt hạ từ lâu đã bắt đầu mục nát.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu rừng còn nhiều cây thì phát hiện một số cây nằm sát ngay mép đường đang bị một số người dùng phương thức ken cây, cắt vỏ ở gốc chờ cây thông chết dần để khai thác. Đến quả đồi khác thì ngay bên ven đường một số cây thông lớn cũng đã bị lâm tặc chặt hạ, lá thông vẫn còn tươi, gốc vẫn rỉ nhựa thơm phức nằm ngổn ngang bìa rừng.
Chúng tôi tìm đến một số hộ dân để tìm hiểu thực tế tình trạng phá rừng tại khu vực này. Theo nhiều người dân thì lâm tặc thường khai thác gỗ thông vào chiều và đêm tối, đặc biệt những ngày mưa to gió lớn thì chúng ngang nhiên vào rừng thông chọn những cây to đẹp nhất để đốn hạ. Mỗi lần như vậy chúng đều cắt cử người cảnh giới từ xa, nếu thấy bóng dáng cán bộ lâm trường, kiểm lâm thì gọi điện thông báo cho đồng bọn lẩn trốn.
Một người dân tên T cho biết: Chúng tôi sống ở khu vực này đã lâu, thời gian gần đây gần như ngày nào chúng tôi cũng nghe thấy tiếng cưa xẻ gỗ vang vọng núi rừng, sau đó là tiếng ầm ầm của cây gãy đổ. Những hôm trời mưa thì hoạt động của bọn lâm tặc lại càng trắng trợn hơn. Nhìn những cánh rừng thông bị tàn phá, chúng tôi vô cùng xót xa nhưng không dám ngăn chặn vì sợ bọn lâm tặc trả thù…
Đơn vị quản lý “bó tay”
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Lâm trường Đắk Pô Kô, đơn vị chủ rừng tại tiểu khu 96 thừa nhận rất khó khăn để ngăn chặn tình trạng phá rừng ở đây. Ông cho biết: Lâm tặc thường lợi dụng đêm tối, trời mưa để khai thác, vận chuyển. Mỗi lần khai thác nhỏ lẻ, chỉ một vài cây, nên khi phát hiện và bắt giữ chỉ có 2-3 khúc gỗ nên “chẳng làm được gì”. Chúng tôi đã làm nhiều cách để ngăn chặn, thậm chí còn dùng cả cách đóng đinh vào thân cây để khi về xẻ sẽ làm hư hỏng cưa nhưng vẫn không ăn thua !
Cũng theo ông Thành, các đối tượng này rất manh động, khi bị bắt chúng sẵn sàng chống trả, đe dọa để cướp lại gỗ. Ông Thành đưa ra bằng chứng là đã có 2 vụ cán bộ của Lâm trường bị lâm tặc đánh trọng thương.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei: Khoảng hơn 1 năm trở lại đây rừng thông liên tục bị một số người ken cây để khai thác, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy trái phép. Mới đây lợi dụng mưa to gió lớn của cơn bão số 10, lâm tặc đã khai thác trộm hơn 21 m3 gỗ thông tại đây, rất tiếc là đã không bắt được đối tượng khai thác.
Được biết, UBND huyện Đắk Glei cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý có biện pháp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Chẳng lẽ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại bó tay để không bao lâu nữa cánh rừng thông 35 năm tuổi sẽ trở thành cánh rừng chết và các đối tượng phá rừng cứ mãi nhơn nhơ ngoài vòng pháp luật !?.