banner
Thứ 7, ngày 23/11/2024
Nâng cao chất lượng giám sát - nhìn từ thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
19-11-2014
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 được ban hành đã đánh dấu một bước đổi mới quan trọng trong việc cụ thể hóa chức năng giám sát tối cao của Quốc hội bằng những quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của các chủ thể giám sát (Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội), các cơ quan chịu sự giám sát, các cơ quan có liên quan trong hoạt động giám sát. Luật đã quy định rõ các hình thức giám sát để qua đó, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao của mình, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát theo chức năng, nhiệm vụ được Quốc hội giao.
Nâng cao chất lượng giám sát - nhìn từ thực tiễn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Đoàn giám sát KTKS gắn với BVMT tại địa bàn thành phố Kon Tum

Các quy định của pháp luật về giám sát đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Quốc hội. Qua đó hoạt động giám sát của Đoàn và đại biểu Quốc hội đã từng bước đi vào nề nếp và ngày càng nâng cao hiệu quả, hiệu lực. Thông qua hoạt động giám sát đã phát hiện những tồn tại, bất cập của hệ thống các chính sách, pháp luật của trung ương và địa phương, các sai phạm trong quá trình thực thi của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức,… để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời đảm bảo chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn và chấn chỉnh việc thực thi của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của nhà nước.

Giám sát là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng của đại biểu Quốc hội. Đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này qua các nội dung chủ yếu: (1) đóng góp ý kiến xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và lập chương trình giám sát riêng của mình; (2) giám sát các báo cáo công tác tại kỳ họp; (3) tham gia giám sát hoạt động thực tiễn; (4) tham gia giám sát văn bản Quy phạm pháp luật; (5) thực hiện chất vấn tại kỳ họp và thời gian giữa hai kỳ họp; (6) giám sát việc giải quyết và trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri, đơn thư kiến nghị, thỉnh cầu, khiếu nại và tố cáo của công dân gửi đến đại biểu và (7) thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp.

Thực hiện các quy định này, trong thời gian qua các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình với những nội dung:

- Đối với việc xem xét báo cáo: Tại các kỳ họp hàng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi báo cáo công tác, các báo cáo khác theo quy định của Luật chuyên ngành và một số báo cáo khác theo yêu cầu của Quốc hội đến các vị đại biểu Quốc hội để xem xét, thảo luận tại kỳ họp cuối năm. Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ sẽ thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cáo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Việc xem xét, thảo luận các báo cáo và ra nghị quyết về các báo cáo đã được tiến hành theo một quy trình, thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.

Qua xem xét thảo luận các báo cáo, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng các đại biểu Quốc hội cả nước đã được phản ánh một cách khách quan, trung thực tất cả các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan này trên cơ sở phân tích kết quả, thành tựu đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan để làm rõ trách nhiệm của cơ quan và người đứng đầu để có kế hoạch, biện pháp khắc phục.

- Đối với việc chất vấn và trả lời chất vấn: Trong thời gian qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã trở thành một hoạt động thường xuyên, có hiệu quả thiết thực của Quốc hội trên tất cả các diễn đàn của Quốc hội (tại các kỳ họp Quốc hội; tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tại các phiên điều trần của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội). Hoạt động chất vấn  này được đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum quan tâm, tích cực thực hiện với nhiều ý kiến chất vấn trực tiếp tại Hội trường và chất vấn bằng văn bản tại kỳ họp cũng như giữa hai kỳ họp. Nội dung chất vấn đã bám sát các vấn đề của thực tiễn mà cử tri quan tâm.

- Về giám sát văn bản Quy phạm pháp luật: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Quốc hội đã thường xuyên tiến hành giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời các đại biểu Quốc hội trong Đoàn cũng tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các Luật, nghị quyết do Quốc hội khóa XIII ban hành... Qua đó đã kiến nghị khắc phục những sai sót trong việc ban hành văn bản, phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để đề nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời để từng bước hoàn thiện chính sách và pháp luật.

- Về giám sát chuyên đề: Để triển khai hoạt động giám sát chuyên đề, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã chủ trì phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức nhiều cuộc giám sát chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đối với những vấn đề được cử tri cả nước nói chung và cử tri tỉnh Kon tum nói riêng quan tâm. Thông qua các cuộc giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển nhiều ý kiến, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

Bên cạnh việc tổ chức giám sát theo chương trình, kế hoạch của Đoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phối hợp và tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tiến hành tại địa bàn tỉnh; các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội còn tích cực tham gia các Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội giám sát tại các địa phương trong cả nước.

- Đối với nhiệm vụ giám sát, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phân công đại biểu là Phó trưởng Đoàn chuyên trách thay mặt Đoàn thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở để tiếp thu, xem xét xử lý kịp thời các ý kiến kiến nghị, khiếu nại và tố cáo của công dân gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đồng thời Đoàn tiếp tục phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp công dân định kỳ hàng tháng theo Quy chế phối hợp.

- Tham gia thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu tại kỳ họp thứ 5- Quốc hội khóa XIII

Trong thời gian qua, hầu hết đại biểu Quốc hội tỉnh (nhất là đại biểu chuyên trách) đã thực hiện tốt vai trò của mình trong hoạt động giám sát, kết quả đó đã góp phần mang lại hiệu quả công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Quốc hội như đã trình bày ở trên.

Tuy nhiên, do đa số đại biểu Quốc hội trong Đoàn là kiêm nhiệm, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì các đại biểu còn phải thực hiện các công việc theo chức trách nơi mình công tác, nên chưa tham gia được nhiều và đều các hoạt động giám sát, (chủ yếu do đại biểu chuyên trách thực hiện). Kỹ năng, kinh nghiệm giám sát của một số đại biểu chưa cao. Một số đại biểu chưa phát huy được quyền chất vấn của mình tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp. Chưa đưa ra kiến nghị vấn đề cần giám sát để xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội và của cơ quan mà mình là thành viên. Trong việc tham gia hoạt động giám sát thực tiễn ít có ý kiến tại các buổi làm việc với cơ quan chịu sự giám sát và tham gia ý kiến xây dựng báo cáo kết quả giám sát,... Ít tham gia giám sát văn bản QPPL; giám sát việc giải quyết và trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri trên địa bàn;...

Mặt khác, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn những bất cập, chưa cụ thể nên khó khăn trong quá trình giám sát; một số đại biểu chưa được bồi dưỡng kiến thức pháp lý về văn bản quy phạm pháp luật nên khó khăn trong thực hiện giám sát. Về giám sát chuyên đề không có chế tài cụ thể việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, do đó các ý kiến, nghị quyết, kết luận sau hoạt động giám sát chưa được quan tâm theo dõi, đôn đốc thực hiện và giải quyết của cơ quan giám sát và cơ quan chịu sự giám sát... từ đó đã gây nhiều khó khăn cho họat động giám sát của Đoàn cũng như đại biểu Quốc hội.

Chúng ta biết rằng: Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội phụ thuộc vào sự hoàn thiện của các quy định pháp lý. Bởi vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát, nhằm khắc phục những bất cập đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết việc thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 là vấn đề yêu cầu cần thiết, trong đó lưu ý là: Sửa đổi, bổ sung quy định về Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng việc quy định chi tiết, cụ thể thủ tục để kiểm chứng xác nhận phiếu chất vấn của người chất vấn và thủ tục đánh giá văn bản trả lời chất vấn của người bị chất vấn.

Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội phụ thuộc vào việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị của kết quả giám sát, giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, bởi vậy cần thiết phải xác định trong luật trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo với cơ quan giám sát về kế hoạch, tình hình giải quyết các ý kiến, kiến nghị của Đoàn giám sát và nếu không báo cáo thì họ phải chịu một chế tài pháp lý.

Chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội phụ thuộc vào trình độ, kỹ năng, kiến thức chuyên ngành của các đại biểu Quốc hội và thời gian dành cho hoạt động giám sát của các đại biểu Quốc hội, bởi vậy cần bồi dưỡng kiếp thức pháp lý, kỹ năng về văn bản quy phạm pháp luật, kỹ năng giám sát cho các đại biểu Quốc hội. Tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách, đồng thời có cơ chế để Đoàn đại biểu Quốc hội mời chuyên gia tham gia Đoàn giám sát để giúp Đoàn những vấn đề chuyên sâu về ngành, lĩnh vực.

Cùng với quá trình đó là phát huy quyền chất vấn của đại biểu dân cử. Bồi dưỡng cho đại biểu kỹ năng lựa chọn vấn đề chất vấn và kỹ năng chất vấn. Tăng cường hơn nữa vai trò đại biểu dân cử đối với công tác giám sát văn bản QPPL; giám sát việc giải quyết và trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri nói chung và cử tri trên địa bàn đại biểu ứng cử nói riêng; giám sát việc xử lý và giải quyết đơn thư kiến nghị, thỉnh cầu, khiếu nại và tố cáo của công dân gửi đến đại biểu.

Đối với Văn phòng Quốc hội: Nên có kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội cho tất cả cán bộ, chuyên viên trực tiếp phục vụ hoạt động Đoàn đại biểu Quốc hội./.

Tô Văn Tám  
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE