Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành vào hồi 9 giờ 50 phút ngày 28/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII. Bản Hiến pháp mới đã phản ảnh ý chí và nguyện vọng của Nhân dân ta, trong đó ý Đảng lòng Dân được hòa quyện sâu sắc. Đó là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc cho toàn thể dân tộc ta, Nhân dân ta và đất nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức của thời kỳ mới, vững bước tiến vào giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước và chủ động hội nhập quốc tế. Hiến pháp tạo cơ sở hiến định quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Những quy định của Hiến pháp thể hiện sâu sắc và toàn diện chủ trương đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội; thể hiện bao quát, toàn diện hơn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiến pháp quy định rõ ràng và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước ta. Vì vậy, sau khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua thì nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thực sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có liên quan trực tiếp và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị. Quá trình triển khai thi hành Hiến pháp đòi hỏi sự tham gia tích cực, nghiêm túc của Nhân dân, tất cả các cấp, các ngành, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu quán triệt trong toàn ngành, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình nội dung của Hiến pháp, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và có kế hoạch thiết thực, phù hợp với từng cấp, ngành, địa phương và các đoàn thể để triển khai thi hành Hiến pháp diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ và thu được kết quả.
Hội nghị cũng đã nghe ý kiến phát biểu của đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương về công tác tuyên truyền quán triệt và thực hiện Hiến pháp; Đồng chí Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội trình bày những nội dung cơ bản của Hiến pháp (về Lời nói đầu, chế độ chính trị, về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về bảo vệ tổ quốc, Bộ máy nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp,…); Đồng chí Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật trình bày Báo cáo về Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị tích cực triển khai thi hành Hiến pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất để Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống. Trước hết, các cấp, các ngành, lãnh đạo cơ quan trung ương và địa phương cần khẩn trương quán triệt nghiêm túc Hiến pháp. Các luật, pháp lệnh được ban hành trước 01/01/2014 phải được rà soát lại phù hợp với Hiến pháp. Trên cơ sở Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Kế hoạch triển khai thi hành của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan, tổ chức cần xây dựng kế hoạch triển khai và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, uốn nắn phát sinh để các quy định của Hiến pháp được thực hiện nghiêm minh, sớm đi vào cuộc sống./. (Hồ Nam)