Qua khảo sát thực tế và ý kiến đóng góp của cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp và ý kiến của cử tri trong tỉnh cho thấy chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giữa nhiệm kỳ 2011 – 2016 đạt kết quả cao. Tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh từ đầu nhiệm kỳ có 50 vị, số đại biểu hiện tại là 49 vị (01 vị chuyển công tác). Kết quả khảo sát có 47 vị đại biểu phát huy tốt tác dụng (đạt 95,92%); 01 vị đại biểu hoạt động khá (đạt 2,04%) và 01 vị đại biểu hoạt động trung bình (chiếm 2,04%); không có đại biểu hoạt động yếu. Qua đó cho thấy các đại biểu đã phát huy tốt vai trò của người đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tình hình kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; thu thập, phản ánh ý kiến kiến nghị của cử tri với Hội đồng nhân dân và các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp. Cá nhân các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tích cực tham gia đóng góp vào việc quản lý Nhà nước của địa phương nơi mình ứng cử, giúp Hội đồng nhân dân ban hành những quyết sách phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, điều kiện kinh tế của địa phương và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Công tác phối kết hợp giữa các vị đại biểu, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ngày càng được chú trọng mang lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh nửa nhiệm kỳ qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Do tính chất kiêm nhiệm của phần lớn đại biểu nên thời gian, công sức dành cho hoạt động của cơ quan dân cử còn ít; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng hoạt động của một số đại biểu còn hạn chế; lĩnh vực và nơi công tác có nhiều đặc thù riêng nên các đại biểu không có nhiều điều kiện và thời gian tiếp cận với các nguồn thông tin cần thiết để phục vụ hoạt động của người đại biểu; địa bàn hoạt động của các tổ đại biểu rộng, số lượng đại biểu phân bổ không đều, nhất là các huyện vùng sâu, vùng xa giao thông đi lại khó khăn nên việc nắm bắt thông tin, giải thích pháp luật và các chủ trương, chính sách của Nhà nước đôi khi chưa kịp thời dẫn đến bị động trong công tác tiếp xúc cử tri, ít có ý kiến gợi mở, phân tích trước cử tri. Bên cạnh đó còn có một số ý kiến mà cử tri phản ánh, kiến ghị nhiều lần, kéo dài qua nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết, trả lời thấu đáo... Với những hạn chế đó phần nào đã làm giảm lòng tin của cử tri vào vai trò của người đại biểu.
Để góp phần làm tốt chức năng “là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương” thì mỗi đại biểu HĐND phải xác định đúng vị trí, vai trò và nhiệm vụ là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương”. Từ đó chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của người đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND. Bên cạnh trách nhiệm và lòng nhiệt huyết còn đòi hỏi mỗi người đại biểu phải không ngừng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, kỹ năng hoạt động để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, mỗi đại biểu phải nhận thức đầy đủ việc tiếp xúc cử tri không đơn thuần nghe phản ánh của cử tri, mà đại biểu còn giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND để cho cử tri hiểu và thông suốt. Có như vậy hoạt động tiếp xúc cử tri mới thực sự hiệu quả; chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND mới thực sự đi vào cuộc sống; tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân được chuyển tải đến cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Mặt khác, Hiệu quả hoạt động của HĐND được đảm bảo bằng hiệu quả của các kỳ họp cho nên đại biểu HĐND phải chủ động nghiên cứu tài liệu, thể hiện đầy đủ trách nhiệm và bản lĩnh của mình trong hoạt động chất vấn; tích cực tham gia thảo luận, tranh luận tại diễn đàn kỳ họp để làm sáng tỏ các vấn đề; cùng HĐND bàn bạc và đi đến quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của kỳ họp HĐND.
Với vai trò, trọng trách mà nhân dân giao phó, đại biểu HĐND cần tích cực hơn trong hoạt động, khắc phục khó khăn, chủ động sắp xếp thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động của Thường trực HĐND và các Ban HĐND, cố gắng làm tròn trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị của địa phương. Cử tri luôn tin tưởng và kỳ vọng vào thời gian còn lại của nửa nhiệm kỳ 2011 - 2016 các đại biểu sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân địa phương./.