banner
Thứ 4, ngày 27/11/2024
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII
20-11-2014
Trong tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8- Quốc hội khóa XIII, 06 đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã cùng với các đại biểu Quốc hội trong cả nước tham gia 10 phiên làm việc ở Hội trường để nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các thành viên Chính phủ thông qua 36 báo cáo, tờ trình: Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014; Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015; Tờ trình về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Tờ trình về dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tờ trình về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri;...
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong  tuần làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII

Đồng thời Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của 4 dự thảo Luật: Luật nhà ở (sửa đổi); Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và thảo luận về các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng… Đối với Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã tham gia 5 ý kiến về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; Về lấy phiếu tín nhiệm; Vị trí và chức năng của Đoàn đại biểu Quốc hội; Thiết lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội và xem xét lại quy định Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính. Theo đại biểu, từ quy định của luật hiện hành về Đoàn đại biểu Quốc hội, đó là "Các đại biểu Quốc hội được bầu tại một địa phương tập hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội". Dự thảo lần này quy định ở Khoản 1, Điều 43 "Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương". Đây là một bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội vốn lỏng lẻo và không rõ ràng đến thừa nhận là một tổ chức, như thế vị trí của Đoàn đại biểu Quốc hội được rõ ràng hơn. Đã thừa nhận là một tổ chức thì nên trao cho Đoàn đại biểu Quốc hội chức năng giám sát. Trên thực tế, lâu nay các Đoàn đại biểu Quốc hội đã và đang thực hiện việc giám sát có hiệu quả. Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 3 ghi nhận hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đảm bảo bởi các hoạt động, trong đó có hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Bởi vậy, việc bổ sung chức năng giám sát cho Đoàn đại biểu Quốc hội là cần thiết.

Đối với Luật nhà ở (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám đã tham gia 4 ý kiến vào dự thảo luật về giải thích từ ngữ đối với “nhà ở”; Bổ sung trường hợp “để phát triển kinh tế - xã hội” vào khoản 2, Điều 5; Về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư và bổ sung người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Theo đại biểu về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư quy định ở Mục 4, Chương II, thì thứ nhất, các quy định ở mục này từ Điều 35 đến Điều 41 dự thảo quy định rõ các vấn đề về nhà tái định cư, nhưng mới là các quy định thuộc về nguyên tắc, trách nhiệm, quyền của cơ quan nhà nước và chủ đầu tư. Chưa có quy định nào nhằm tạo điều kiện, cơ sở pháp lý cho người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch xây dựng nhà ở tái định cư. Đề nghị cần có những quy định này để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình này, nhất là những dự án nhà ở tái định cư ở nông thôn, miền núi, Tây nguyên khi phải di dời để thực hiện các dự án của Nhà nước. Thực tế cho thấy nhiều dự án tái định cư ở nông thôn, miền núi, nhất là miền núi Tây nguyên người dân chưa được tham gia đầy đủ, nên khi đưa vào sử dụng đã xảy ra những vấn đề như không phù hợp với điều kiện ăn ở, sản xuất, phong tục tập quán của người dân, phát sinh nhiều vấn đề như thắc mắc, kiến nghị, khiếu nại, thậm chí là không ở. Thực trạng đó đã làm giảm hiệu quả cũng như ý nghĩa của công tác tái định cư. Thứ hai, tại Điều 35 nguyên tắc phát triển nhà ở phục vụ tái định cư và Điều 39 loại và tiêu chuẩn diện tích nhà ở, cần bổ sung để luật hóa quan điểm của Đảng là khi thực hiện tái định cư phải đảm bảo điều kiện tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ. Đồng thời quy định thêm những yêu cầu về đảm bảo, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Với quy định như trong dự thảo về phong tục tập quán của từng dân tộc là chưa đủ và chưa bao quát hết các vấn đề về văn hóa trong nhà ở cũng như trong các thiết chế văn hóa của đồng bào. Nếu thiếu những quy định như vậy thì e rằng sẽ dẫn đến tình trạng nhà tái định cư tới thì nét văn hóa của đồng bào giảm hoặc mất đi.

ĐBQH tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám phát biểu ý kiến về dự thảo Luật tổ chức QH

Ngoài các hoạt động tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tham gia 2 phiên thảo luận ở Tổ cùng với 17 đại biểu Quốc hội khác của 3 Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam, Thừa Thiên Huế và Yên Bái đối với các nội dung: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015. Tại các phiên thảo luận này 03 đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Y Mửi, Tô Văn Tám và Võ Trọng Việt đã tham gia 03 lượt phát biểu với 14 ý kiến về đầu tư cho doanh nghiệp; định hướng chiến lược đầu vào và đầu ra cho ngành nông nghiệp; công tác quản lý tài nguyên; chính sách đối với cán bộ, công chức; rà soát lại Tiêu chí nghề; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số; tình trạng quá tải ở các bệnh viện; về công tác giảm nghèo; giá sản phẩm cao su…/.

Hồ Nam  
Tin liên quan:
Icon Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIII
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tám
Icon Hoạt động trong tháng 8/2014 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIII
Icon Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2014 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum
Icon Một số kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum trong 6 tháng đầu năm 2014
Icon Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng
Icon Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh chuẩn bị giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE