Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh, các huyện, thành phố và điểm tiếp công dân của các cơ quan, đơn vị đã có 742 lượt công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, tại Trụ sở tiếp dân tỉnh đã tiếp 117 lượt người, giảm 246 lượt so với cùng kỳ năm trước; các huyện, thành phố, sở, ngành tiếp 249 lượt người, tăng 33 lượt so với cùng kỳ năm trước; các xã phường, thị trấn tiếp 376 lượt người, tăng 230 lượt so với cùng kỳ năm trước. Tại các buổi tiếp công dân, lãnh đạo các cấp, các ngành đã trực tiếp nghe công dân phản ánh, trình bày sự việc, đồng thời đã xem xét giải thích, trả lời, hướng dẫn về các quy định pháp luật có liên quan đến nội dung công dân trình bày. Một số vụ việc đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra làm rõ để giải quyết, trả lời theo quy định.
Thông qua công tác tiếp công dân và dịch vụ bưu chính các cấp, các ngành trong tỉnh đã tiếp nhận 756 đơn, thư các loại (tăng hơn so với cùng kỳ năm trước 148 đơn) bao gồm: 109 đơn khiếu nai, 61 đơn tố cáo, 586 đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh. Nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực tranh chấp đất đai, bồi thường, hỗ trợ đền bù nhà, đất ở khi nhà nước thu hồi đất, lĩnh vực tư pháp, hành chính, chế độ chính sách; nội dung tố cáo tập trung ở các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính, lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ, công chức. Qua xem xét phân loại, số đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chức năng là 311 đơn; số đơn thuộc thẩm quyền phải xem xét, giải quyết là 445 đơn (gồm 50 đơn khiếu nại; 09 đơn tố cáo và 386 đơn, thư kiến nghị, phản ánh). Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết đã được cơ quan, người có thẩm quyền thụ lý, xác minh làm rõ để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, đến nay đã giải quyết xong là 437 đơn, đạt tỷ lệ 98,2%, còn lại 08 đơn đang trong thời gian giải quyết. Số đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết các cơ quan đã nhận được, được xử lý theo hướng chuyển trả đơn, hướng dẫn công dân gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết hoặc chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành kịp thời của UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp dân của các đơn vị, địa phương đã được thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi và tốt nhất để người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Công tác rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, tồn đọng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 2424/KH-UBND ngày 24/10/2013 được triển khai thực hiện nghiêm túc. Việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân đã đảm bảo về trình tự, thủ tục và thời gian quy định; chất lượng và nội dung giải quyết sự việc ngày càng được nâng cao, nhiều vụ việc công dân đã chấm dứt việc tiếp khiếu kiện sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, văn bản kết luận giải quyết lần đầu. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, gửi vượt cấp đã giảm; đơn thuộc thẩm quyền đã giải quyết đạt tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, qua theo dõi thống kê cho thấy số lượng đơn, thư trong năm 2014 tăng hơn so với năm 2013 là 24%; tính chất và nội dung khiếu nại, tố cáo tương đối phức tạp, điều này cho thấy tình hình về khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những diễn biến phức tạp. Công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định pháp luật nói chung, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng hiệu quả chưa cao, có trường hợp mặc dù quyền lợi của bản thân không bị xâm phạm về quyền, lợi ích trực tiếp nhưng bị kẻ xấu kích động, xúi giục, lôi kéo nên phát đơn khiếu nại, tố cáo tập thể hoặc gửi đơn đến nhiều cơ quan khác nhau, đến các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết sự việc. Công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn nhiều thiếu sót, thậm chí có vi phạm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích chính đáng của công dân, nhất là trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng, thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo... dẫn đến việc người dân bức xúc và có đơn thư khiếu nại, tố cáo yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý ngay. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân hiệu quả chưa cao; việc lấy ý kiến phản biện của cơ quan Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội về phương án giải quyết đối với vụ việc khiếu nại hành chính của công dân chưa được coi trọng.
Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xét giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian đến, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
1. Tiếp tục thực hiện Thông báo số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị về giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trong tình hình hiện nay; Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2. Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành; bố trí cơ sở vật chất, nhân sự nhằm đảm bảo phục vụ tốt công tác tiếp công dân.
3. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 2077/KH-UBND ngày 20/09/2013 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2013-2016; Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 26/02/2014 của UBND tỉnh về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2642/UBND-NC ngày 15/10/2014 về thực hiện Quyết định số 1408-QĐ/TU ngày 25/9/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa bí thư các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
4. Tập trung rà soát, thẩm tra lại quá trình xem xét, giải quyết đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai mặc dù đã có quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc của các cơ quan chức năng nhưng đến nay công dân vẫn còn tiếp khiếu, tiếp tố để xem xét, xử lý dứt điểm sự việc, không để kéo dài gây tác động xấu đến hiệu quả, hiệu lực về công tác quản lý Nhà nước.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng các ngành, các cấp trong việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhằm chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị.
6. Có phương án đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu thực tế, có khả năng vận động, thuyết phục quần chúng, nhiệt tình và có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.
7. Tăng cường công tác công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân đân một cách sâu, rộng, có hiệu quả; đặc biệt là các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo./.