Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
16-9-2015
Ngày 15/9/2015, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kring Ba chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tô Văn Tám; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Thường trực HĐND, UBND các huyện và thành phố Kon Tum; các sở, ban, ngành, đoàn thể, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; các xã, phường thuộc thành phố Kon Tum.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Kring Ba phát biểu tại Hội nghị Ảnh: VM
Thực hiện Nghị quyết 972/NQ-UBTVQH13 ngày 13/7/2015; Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 03/8/2015, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-HĐND về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đến nay đã có khoảng 50.000 lượt người tham gia. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất: Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; đã bám sát nội dung của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; về bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân; về bảo vệ quyền sống của con người qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hình phạt tử hình; bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa bảo vệ quyền con người, quyền công dân và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; cơ bản đáp ứng yêu cầu các điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Góp ý cụ thể vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi): Một số ý kiến đề nghị bổ sung tình tiết định khung “giết người mà mình có nghĩa vụ nuôi dưỡng” vào điểm a, khoản 3 Điều 123 dự thảo BLHS (sửa đổi). Về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 189) là hành vi nguy hiểm cho xã hội, kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực cho đạo đức xã hội và giống nòi, vì vậy hình phạt cảnh cáo là không đủ tính răng đe mà cần phải có quy định nghiêm khắc để ngăn chặn hiện tượng này đang diễn ra phổ biến. Đối với tội phạm về tham nhũng, đa số ý kiến đề nghị quy định thành một chương riêng nhằm thể hiện tập trung và rõ ràng hơn về cấu thành của loại tội phạm này, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xét xử và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các ý kiến tham gia đề nghị BLHS (sửa đổi) cần quy định rõ hơn về những tội phạm mà người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự mà không quy định chung chung, phạm vi rộng như BLHS hiện hành. Đa số ý kiến đồng tình với quy định không áp dụng và thi hành án tử hình với người từ 75 tuổi trở lên, vì thể hiện ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Tuy nhiên, một số ít ý kiến cho rằng người trên 75 tuổi vẫn có thể là người chỉ huy các băng nhóm tội phạm…Về bỏ hình phạt tử hình, đa số ý kiến nhất trí với việc bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí, vì cho rằng thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ cướp hết sức táo tợn và nguy hiểm, đối tượng ra tay một cách tàn độc rồi cướp đi tài sản và sinh mạng của nạn nhân đã khiến dư luận xã hội hoang mang thì việc đề xuất bỏ tử hình đối với tội danh này là chưa hợp lý. Một số ít ý kiến khác đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 316); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 436); tội chống lại loài người (Điều 437); tội pham chiến tranh (Điều 438) của dự thảo luật, vì cho rằng bên cạnh việc đảm bảo tính nhân đạo đối với người phạm tội còn phải đảm bảo sự ổn định an ninh, trật tự xã hội, hiệu quả phòng chống tội phạm. Các tội trên đều là các tội đặc biệt nguy hiểm, xâm hại tài sản, quyền sở hữu, đe dọa nền hòa bình, độc lập chủ quyền quốc gia, đe dọa đến sự tồn vong của loài người đều phải lên án và ra sức ngăn chặn, loại bỏ. Do đó, đề nghị giữ nguyên hình phạt đối với các tội danh này như luật hiện hành.