banner
Thứ 2, ngày 23/12/2024
Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
7-1-2016
Ngày 4-1-2016, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Ban biên tập Trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị.
Chỉ thị của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
(Ảnh minh họa)

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22-5-2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang thu được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bối cảnh quốc tế và khu vực có những thuận lợi và khó khăn đan xen; các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá chế độ, cản trở sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức phấn đấu, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. 

Cùng với thành công đại hội đảng các cấp, tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.

Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt những yêu cầu nhiệm vụ sau đây:

1- Có kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

2- Lãnh đạo tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của đại hội đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

3- Lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu. Đồng thời, bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỉ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỉ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

4- Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải bảo đảm theo đúng quy trình pháp luật quy định và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật.

5- Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Động viên cử tri tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử.

6- Chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử.

7- Các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Đối với 10 tỉnh, thành phố đang thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết của Quốc hội, các cấp ủy chú trọng chỉ đạo công tác lựa chọn nhân sự đại biểu hội đồng nhân dân.

8- Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban đảng ở Trung ương, hội đồng bầu cử quốc gia, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Chỉ thị này; chủ động phối hợp chặt chẽ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử, bảo đảm để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công tốt đẹp.

Ban Tổ chức Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này.

  
Tin liên quan:
Icon Hội nghị trực tuyến triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2016
Icon Trao quyết định nghỉ hưu đối với đồng chí Lê Quang Chưởng, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh
Icon Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh
Icon Lễ kỷ niệm và tọa đàm nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10
Icon UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2015
Icon Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp
Icon ĐÃ GIẢI QUYẾT XONG 418 ĐƠN THƯ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, KIẾN NGHỊ CỦA CÔNG DÂN, ĐẠT HƠN 92%
Icon Lãnh đạo tỉnh, thành phố dâng hương tại Di tích lịch sử Ngục Kon Tum
Icon Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng chủ trì Lễ công bố và trao quyết định về công tác cán bộ
Icon Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Kon Tum lần thứ VII (2015-2020)
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE