Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đào Xuân Quý-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kring Ba-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Giám đốc các sở: NN và PTNN, Tài chính; Trưởng, Phó các Ban HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh và Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh. Dự ở điểm cầu các huyện, thành phố Kon Tum có Bí thư, Phó Bí thư huyện ủy, thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND, một số phòng, ban có liên quan.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện UBND tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình hạn hán và công tác triển khai phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh đến ngày 31/3/2016; nghe Chánh Văn phòng HĐND tỉnh báo cáo tổng hợp tình hình hạn hán của HĐND các huyện, thành phố; nghe một số huyện và thành phố Kon Tum báo cáo tình hình hạn hán và công tác triển khai phòng, chống hạn trên địa bàn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 31/3/2016, toàn tỉnh có 2.106,16 ha khô hạn, thiếu nước. Trong đó có 1.226,38 ha lúa; 857,03 ha cây công nghiệp gồm cà phê và hồ tiêu; 22,75 ha rau màu các loại. Theo đó, diện tích cây trồng bị mất trắng 867,7 ha, trong đó có 837,6 ha lúa; 30,1 ha cây công nghiệp. Cây trồng khác bị giảm năng suất 1.238,5 ha, trong đó có 388,8 ha lúa; 826,9 ha cây công nghiệp và 22,75 ha rau màu các loại; ước giá trị thiệt hại khoảng 90 tỷ đồng. Theo dự báo, đến cuối vụ Đông Xuân 2015-2016, toàn tỉnh có 6.930 ha bị khô hạn và thiếu nước, trong đó có 1.900 ha lúa; 5.000 ha cây công nghiệp và 30 ha rau màu các loại; ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp khoảng 200 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tham mưu để có cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tổng kết; gắn tiếp xúc cử tri với việc nắm bắt tình hình hạn hán và công tác chống hạn; yêu cầu các Tổ đại biểu HĐND tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri tại thôn (làng), đặc biệt chọn những thôn (làng) bị hạn nặng và mời đại biểu HĐND xã và lãnh đạo xã về dự; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri 3 cấp để tránh cử tri phải đi lại nhiều lần mất thời gian; tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến cấp có thẩm quyền. HĐND các cấp khóa này rà soát từng thôn, từng xã để xác định việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất lúa Đông-Xuân trên cơ sở mất mát của vụ này, phải quyết định chỉ tiêu lúa Đông-Xuân của thôn, xã, huyện để kỳ họp HĐND tỉnh sẽ có sự điều chỉnh, không để “gánh nặng” này cho HĐND tỉnh khóa sau. Để thực hiện việc này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rà soát, đánh giá, điều chỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét việc chuyển đổi diện tích cần chuyển đổi, HĐND các cấp ra nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Qua đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đề nghị các cấp ủy và chính quyền không để dân thiếu nước, phải nắm chắc địa bàn Nhân dân thiếu nước để hỗ trợ, giúp đỡ; nước cung cấp cho dân phải đảm bảo vệ sinh; UBND tỉnh nhanh chóng thành lập Quỹ cứu trợ thiên tai của tỉnh, trước mắt hỗ trợ mỗi huyện, thành phố từ 10-20 tấn gạo để cứu đói và phải làm chặt chẽ, đúng đối tượng.