Tham dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Y Mửi-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; A Pớt-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Bình Trọng- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể ở tỉnh; đại biểu Quốc hội Khóa XIV ứng cử tại tỉnh; đại diện Thường trực HĐND các huyện, thành phố và 47 đại biểu HĐND tỉnh Khóa XI, nhiệm kỳ 2016-2021.
Cùng với việc xem xét, cho ý kiến vào báo cáo công tác 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016 của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND tỉnh và một số cơ quan tư pháp theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kỳ họp đã nghe Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội Khóa XIV; Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền và ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; các đại biểu đã xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh như Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035; Quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025; Chính sách của tỉnh về khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến v.v...
Tại các buổi thảo luận các đại biểu đã tham gia sôi nổi vào các báo cáo, tờ trình, đề án trình kỳ họp, nhất là về kết quả thu hút đầu tư, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 và các quy hoạch, chương trình, đề án về xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến…Về cơ bản, các đại biểu thống nhất nhận định: 6 tháng đầu năm 2016, bên cạnh những khó khăn chung của cả nước, tỉnh Kon Tum còn phải đối phó với tình trạng hạn hán đến sớm và kéo dài, xảy ra trên diện rộng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, mà trực tiếp là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, sự điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phấn đấu quyết liệt và đạt được kết quả tích cực: kinh tế tăng trưởng khá, bằng 96% mức tăng trưởng bình quân chung 6 tháng đầu năm của cả nước. Hậu quả hạn hán cơ bản được khắc phục; xuất khẩu cơ bản đạt kế hoạch; thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; chỉ số giá tiêu dùng ổn định; chất lượng giáo dục tiếp tục có bước chuyển biến tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
HĐND tỉnh cũng nhận thấy: tăng trưởng kinh tế của tỉnh đang có dấu hiệu chững lại, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh chỉ đạt 5,03% so với cùng kỳ năm 2015; số dự án đăng ký đầu tư vào địa bàn nhiều nhưng dự án đi vào hoạt động, có sản phẩm tham gia thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn ít; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách trên địa bàn đạt thấp. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái phép, thực phẩm bẩn, kém an toàn chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để; sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, giá cả; nhiều học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ra trường chưa có việc làm v.v…Và đây cũng là những quan tâm, trăn trở của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh.
Kỳ họp đã thống nhất thông qua 13 nghị quyết như:
Biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: VM.
Nghị quyết về chương trình giám sát 6 tháng cuối năm 2016 và năm 2017 của HĐND tỉnh; về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016; về thông qua Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Kon Tum; về thông qua Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; về thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; về thông qua Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2025, có xét đến 2035; về thông qua thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Kon Tum; về việc thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025; về việc thông qua Đề án thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng (đối với phương tiện ra vào cửa khẩu) trong Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y; về việc chấm dứt hiệu lực thi hành Khoản 3 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐND ngày 27/3/2007 của HĐND tỉnh; về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum; về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum và Nghị quyết Quy định mức thu học phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập năm học 2016-2017 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Văn Hùng-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh và đề nghị các cấp, các ngành, các vị đại biểu HĐND tỉnh quan tâm một số nội dung như:
UBND tỉnh và từng cấp từng ngành phải khẩn trương rà soát, làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan liên quan đến các mục tiêu, chỉ tiêu không đạt, từ đó có giải pháp cụ thể, quyết liệt để khắc phục kịp thời, hiệu quả bảo đảm hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã đề ra.
Chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, phục hồi rừng bền vững và chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, rà soát và quản lý chặt chẽ an toàn hồ đập, tổ chức thực hiện thật tốt phương án phòng, chống bão lũ và giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, chủ động có phương án và kịp thời di dời dân ra khỏi các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, tránh để bị động, bất ngờ và giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ lụt, thiên tai gây ra.
Khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai các nhiệm vụ của năm học mới 2016 – 2017. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt các các hành vi buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm kém an toàn. Chủ động phòng ngừa, không để xảy ra dịch bệnh lây lan ra diện rộng; trước mắt bao vây, khoanh vùng và dập tắt ngay dịch sốt xuất huyết đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn.
Tại kỳ họp, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh trả lời rõ ràng, kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến, kiến nghị về tình trạng gây ô nhiễm môi trường do một số cơ sở chế biến mì, cao su gây ra; việc hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi xây dựng công trình thủy điện; thi công đường Hồ Chí Minh; việc giải quyết chế độ cho một số đối tượng được thụ hưởng chính sách của Nhà nước…còn kéo dài, chưa được xem xét, giải quyết kịp thời, dứt điểm. HĐND đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo người đứng đầu các cấp, các ngành khẩn trương phối hợp, xem xét giải quyết và sớm thông tin cho cử tri biết. Đề nghị Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND và nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể về kết quả giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân tỉnh vào cuối năm nay theo quy định v.v…