Mục đích giám sát là để rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn từ 2011 đến 31/12/2016; Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; Xác định rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền và các cá nhân liên quan; đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm; đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Giám sát tập trung vào các nội dung: Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; văn bản chỉ đạo điều hành theo nhiệm vụ, thẩm quyền về an toàn thực phẩm; Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của Ủy ban nhân dân các cấp và các sở ban ngành liên quan; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; Đánh giá việc thực hiện chính sách, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; Xem xét, đánh giá các nhân tố liên quan ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm (như thực trạng môi trường tại các địa bàn chế biến thực phẩm; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công tác phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát, quản lý hóa chất, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm…); Làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, hạn chế, bất cập; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổ chức triển khai và tiến hành giám sát nội dung này từ ngày 15/11/2016 đến ngày 15/01/2017./.