banner
Thứ 5, ngày 4/7/2024
Tài liệu phiên chất vấn

TT

Nội dung chất vấn

TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA CÁC ĐƠN VỊ

(Click vào file đính kèm để tải về)

1

CÔNG TÁC QUY HOẠCH, ĐỀN BÙ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ KON TUM

Cử tri trên địa bàn Thành phố Kon Tum đã có nhiều ý kiến, phản ánh[1] về công tác quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố còn vướng nhiều bất cập, chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân, trong đó có: Khu hành chính mới Thành phố Kon Tum, Công viên cây xanh đường Võ Nguyên Giáp thuộc phường Duy Tân và xã Đăk Cấm Thành phố Kon Tum, cụ thể:

1. Về công trình: Khu hành chính mới Thành phố Kon Tum, người dân cho rằng hiện nay giá đền bù bồi thường đất ở, đất sản xuất, các công trình, tài sản trên đất còn bất cập. Do đó có hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù của Thành phố, đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng một số hạng mục của công trình.

2. Về quy hoạch Công viên cây xanh đường Võ Nguyên Giáp, thực trạng hiện nay tại khu vực này đã có nhiều hộ dân sinh sống; là khu vực được cấp Giấy chứng nhận QSD đất ở, nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở ổn định. Nay quy hoạch Công viên cây xanh, dẫn đến nhiều hộ dân chưa đồng thuận và có đề nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch là đất ở.

Đề nghị Giám đốc Sở Xây Dựng và Chủ tịch UBND Thành phố Kon Tum cho biết quan điểm, giải pháp cụ thể của ngành, địa phương theo lĩnh vực phân công phụ trách trong việc xử lý, giải quyết các vấn để kiến nghị trên của cử tri thành phố Kon Tum.

  - Báo cáo của UBND TP trả lời chất vấn

 - Công văn của Sở Xây dựng  trả lời chất vấn

2

VỀ VIỆC GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023 TỈNH KON TUM

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Kon Tum đến ngày 30/11/2023 mới chỉ đạt 43,57%, đạt tỷ lệ thấp nhất trong các năm qua và thấp hơn tiến độ giải ngân trung bình của cả nước là 65%. Đề nghị đồng chí cho biết nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?

  - Công văn UBND tỉnh trả lời chất vấn 

3

VỀ THỰC HIỆN DỰ ÁN, BỐ TRÍ SẮP XẾP ỔN ĐỊNH DÂN CƯ TẠI CÁC ĐIỂM ĐỊNH CƯ ĐÃ HOÀN THÀNH

  Theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh([2]), dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư với thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022 phải hoàn thành và bàn giao lại cho địa phương để bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định đời sống vùng dự án theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, đến thời điểm giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh([3]), Ban Dân tộc tỉnh (chủ đầu tư) chỉ mới bàn giao các hạng mục công trình tại thôn Đăk King 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông[4]; đến tháng 10/2023 mới bàn giao các hạng mục công trình tại thôn Ngọc Nang, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei[5], việc bàn giao công trình đã chậm tiến độ so với thời gian quy định tại Nghị quyết. Bên cạnh đó, hiện nay Ban Dân tộc tỉnh (chủ đầu tư) vẫn chưa bàn giao đất ở cho các địa phương để thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư. Quá trình chậm bàn giao và đưa vào sử dụng đã dẫn đến việc quản lý các hạng mục công trình bị xuống cấp; các địa phương chưa có cơ sở để thực hiện giao đất cho các hộ dân về nơi ở mới[6] để sớm ổn định đời sống, sản xuất.

Đề nghị Trưởng Ban Dân tộc tỉnh (chủ đầu tư) báo cáo làm rõ việc chậm tiến độ; việc chưa bàn giao đất và thời gian nào sẽ bàn giao cho các địa phương để bố trí sắp xếp ổn định dân cư tại các điểm nêu trên. 

  - Công văn trả lời chất vấn

4

VIỆC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Đến nay trên toàn tỉnh đã có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó nhiều xã đã được công nhận từ những năm 2015, 2016, 2017 (như các xã Đoàn Kết, Hòa Bình, Ia Chim của thành phố Kon Tum, Diên Bình, Tân Cảnh của huyện Đăk Tô, Sa Sơn của huyện Sa Thầy, Đăk Nông, Đăk Kan của huyện Ngọc Hồi, xã Đăk La của huyện Đăk Hà…), đến nay đã được 06-08 năm. Đáng ra sau vài ba năm có thể phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao, nhưng có xã còn khó khăn, vất vả hơn các xã mới đạt nông thôn mới. Theo đồng chí nguyên nhân do đâu? chính quyền cấp nào và sở ngành nào phải chịu trách nhiệm về vấn đề này?

  - Công văn của UBND tỉnh trả lời chất vấn

  - Công văn của Sở Nông nghiệp trả lời chất vấn

5

TÌNH HÌNH NỢ ĐỌNG BHXH, BHYT, BHTN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Qua theo dõi báo cáo đánh giá của BHXH tỉnh và các kênh thông tin (hội nghị) nhận thấy tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng qua từng năm, nhiều đơn vị chậm đóng thời gian dài với số tiền lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp, chốt sổ BHXH cho người lao động đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác.

Đề nghị đồng chí cho biết:

(1) Đánh giá về thực trạng vấn đề này trên địa bàn tỉnh như thế nào. Ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thì còn có những nguyên nhân gì khác không?

(2) Kiến nghị khởi tố về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

(3) Đồng thời giải pháp trong thời gian tới như thế nào để giải quyết triệt để tình trạng trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trên địa bàn tỉnh.     

  - Công văn trả lời chất vấn

6

VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

Qua theo dõi việc thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn tỉnh từ 2021-2023, thấy rằng tỷ lệ sinh con thứ 3 của tỉnh có giảm dần qua từng năm: 2021 (14,27%); 2022 (14,07%), ước 2023 (13,35%). Tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số vùng của tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất cao, thậm chí có nhiều trường hợp sinh rất nhiều con.

Đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: nguyên nhân về tỷ lệ sinh con thứ 3 cao ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là gì; các giải pháp thiết thực để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện hiệu quả trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

  - Công văn trả lời chất vấn

7

VỀ ÁP LỰC HỌC (CHÍNH KHOÁ, HỌC THÊM) THI CỬ VÀ ĐIỂM SỐ CÒN NHIỀU Ở CÁC CẤP HỌC

Hiện nay áp lực học (chính khóa, học thêm), thi cử và điểm số còn nhiều ở các cấp học. Có một số em học sinh vì không vượt qua áp lực dẫn đến có biểu hiện trầm cảm, có trường hợp để lại hậu quả rất đau lòng. Áp lực học tăng lên khi các em học sinh chuyển các cấp học cao hơn như: Kiểm tra đầu vào cấp học để xếp lớp, lượng bài tập về nhà nhiều hơn, cá nhân bị đưa xuống lớp có chất lượng thấp hơn nếu kết quả điểm cuối năm đạt kém,…

Với vai trò Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum thì đồng chí có suy nghĩ về vấn đề này như thế nào? Có các giải pháp gì trong thời gian đến để giảm tải áp lực học cho các em, giúp các em có tuổi thơ và tuổi học trò đúng nghĩa?

  - Công văn trả lời chất vấn

8

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH GIÁ NƯỚC VÀ ÁP GIÁ NƯỚC

Trong thời gian vừa qua, cử tri trên địa bàn thành phố rất quan tâm và kiến nghị nhiều lần về việc điều chỉnh giá nước và áp giá nước đối với từng đối tượng như hộ gia đình, hộ gia đình sử dụng mặt bằng để ở và kết hợp kinh doanh, loại hình kinh doanh có sử dụng nước, loại hình kinh doanh không có sử dụng nước cho kinh doanh như cửa sắt, tạp hoá, quần áo, giá nước tại Hội trường tổ dân phố...Tuy nhiên, qua các cuộc tiếp xúc cử tri thì cử tri không đồng tình với nội dung trả lời của UBND tỉnh[7].

Đề nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết các giải pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm tình trạng này trong thời gian tới? Đồng thời, nêu rõ thời gian hoàn thành phương án điều chỉnh giá nước để cử tri được biết?

  - Công văn UBND tỉnh trả lời chất vấn 

9

VIỆC QUẢN LÝ CÁC CƠ SỞ Y TẾ NGOÀI CÔNG LẬP

Trên địa bàn toàn tỉnh có 325 cơ sở hành nghề y ngoài công lập đã được cấp giấy phép hoạt động dưới hình thức bệnh viện, phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế. Tuy nhiên, qua kết quả thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế năm 2023, toàn tỉnh có 4 cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh chữa bệnh khi chưa có Giấy phép hoạt động khám bệnh chữa bệnh; có 02 cơ sở tổ chức khám, chữa bệnh khi chưa được Sở Y tế cấp Giấy phép hoạt động; cố tình né tránh, không hợp tác khi Sở Y tế kiểm tra.

Đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết những giải pháp để quản lý chất lượng của các cơ sở hành nghề y ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị cho biết các biện pháp xử lý đối với các cơ sở không chấp hành?

 - Báo cáo trả lời chất vấn

                                                                              


[1] Ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 4: Câu 13, cử tri: Hồ Anh Dũng, thôn 1, Đăk Cấm kiến nghị: Trên địa bàn xã Đăk Cấm có những quy hoạch không phù hợp, quy hoạch đã quá lâu mà không triển khai. Đề nghị UBND tỉnh sớm rà soát, tháo gỡ các quy hoạch này để người dân an tâm đầu tư và chuyển mục đích sử dụng; thực hiện quyền sử dụng (như: tặng, cho con để xây cất nhà ở, ổn định cuộc sống...).

- Ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 4: Câu 5 cử tri hẻm 253 Võ Nguyên  Giáp, thôn 9, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum kiến nghị: Hiện nay, có khoảng 50 hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố, sinh sống ổn định tại hẻm hẻm 253 Võ Nguyên  Giáp, thôn 9, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum nhưng đất ở đây lại quy hoạch cây xanh. Vì vậy cử tri kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hiện trạng thực tế, xem xét điều chỉnh quy hoạch khu vực này thành quy hoạch đất ở để Nhân dân được quyền chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với hiện trạng thực tế và nguyện vọng của người dân.

[2] (1) Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 17/4/2020 về chủ  trương đầu tư dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

 (2) Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 12/3/2021 về việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

  (3) Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 12/7/2022 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư và bổ sung kế hoạch vốn thực hiện trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

[3] Báo cáo số 10/BC-BDT ngày 17 tháng 4 năm 2023 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh về Giám sát việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm định canh định cư tập trung theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ Và Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 29/8/2022.  

[4] Biên bản nghiệm thu, hoàn thành và bàn giao để đưa vào sử dụng các hạng mục công trình tại Thôn Đăk King 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông ngày 29/3/2023.

[5]  Biên bản nghiệm thu, hoàn thành và bàn giao để đưa vào sử dụng các hạng mục công trình tại Thôn Ngọc nang, xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei ngày 06/10/2023.

[6] Tại Báo cáo số 19/BC-TTHĐND tỉnh ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Thường trực HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cư tri trước Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh: Tại câu 93 "Cử tri xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông kiến nghị: Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh sớm làm các thủ tục có liên quan để bàn giao đất cho địa phương để cấp đất cho 80 hộ dân thuộc diện di dời của thôn Đăk Kinh 1, xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông”

[7] Tại báo cáo số 374 /BC-UBND, ngày 17/10/2023 về kết quả giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh Khóa XII, nhiệm kỳ 2021-2026.