Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 19 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu thảo luận, tham gia ý kiến đối với các nội dung về Phạm vi điều chỉnh của luật; Các đối tượng điều chỉnh của luật; vị trí pháp lý và vai trò của cơ quan Ủy ban Cạnh tranh quốc gia; Xung đột pháp luật của Luật Cạnh tranh và luật chuyên ngành khác; Trường hợp dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành có liên quan đến các việc cạnh tranh và hạn chế cạnh tranh; Thủ tục tố tụng cạnh tranh cũng như cơ quan điều tra;… Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến vào dự thảo luật về cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khi tiến hành tố tụng cạnh tranh;… Theo đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, khoản 1 Điều 52 có quy định cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, nhưng do ai thành lập, Bộ Công Thương hay Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thành lập thì chưa được quy định rõ. Nhìn về cơ cấu tổ chức thì qua Điều 53, Điều 54 cho thấy cơ quan này gồm có Thủ trưởng cơ quan điều tra do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia bổ nhiệm và miễn nhiệm. Các điều tra viên vụ việc cạnh tranh cũng do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia bổ nhiệm, miễn nhiệm. Do vậy, để đảm bảo đầy đủ và chặt chẽ hơn cho khung pháp lý của cơ quan này, theo đại biểu cần xác định chủ thể có quyền quyết định thành lập cơ quan điều tra, đó là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Đề nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 53 các nội dung về chủ thể thành lập cơ quan điều tra, cơ cấu tổ chức của cơ quan điều tra và như thế thì khoản 1 có thể được bổ sung là cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh thuộc Ủy ban Cạnh tranh quốc gia do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thành lập gồm có Thủ trưởng cơ quan điều tra và các điều tra viên có chức năng điều tra các hành vi vi phạm…
Theo đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, có thể thiết kế thêm một điều sau Điều 62 với nội dung là Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thành lập để giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ cạnh tranh, Hội đồng chấm dứt khi hoàn thành nhiệm vụ. Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ cạnh tranh hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, tương tự Điều 62, như thế đầy đủ hơn.
Theo chương trình làm việc của kỳ họp, sáng ngày thứ Ba 12-6-2018 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi)./.