Tại buổi thảo luận này đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 9 đại biểu Quốc hội cả nước đã phát biểu ý kiến thảo luận. Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với các báo cáo đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác tiếp công dân. Tán thành với những nhận định, đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và những giải pháp được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, có những phân tích, đánh giá và kiến nghị làm sâu sắc, cụ thể thêm.
Các đại biểu Quốc hội cũng nêu nhiều kiến nghị cụ thể như hoàn thiện thể chế, pháp luật, nhất là các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; đề cao trách nhiệm cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với những hình thức thích hợp, phù hợp với tình hình của từng cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác này, xử lý nghiêm, làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, người có thẩm quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề cao vai trò giám sát của các cơ quan dân cử và vai trò hòa giải cơ sở, phối hợp của các cơ quan trung ương cũng như địa phương trong vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tập trung để giải quyết dứt điểm những vụ tố cáo phức tạp, kéo dài đã qua nhiều năm và cũng có ý kiến đề nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã tham gia ý kiến như sau: Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh rõ nét về kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế của công tác này. Phải nhìn nhận rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt khá cao, trên 80%. Góp phần khôi phục lại những quyền và lợi ích chính đáng cũng như lợi ích của nhà nước, tập thể. Kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn kỷ cương trật tự, củng cố và tạo niềm tin của người dân vào chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước. Cử tri và dư luận đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật làm căn cứ pháp lý cho công tác quản lý điều hành nói chung và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng. Không chỉ đề xuất trình Quốc hội ban hành các đạo luật mà còn kịp thời ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành với chất lượng được nâng lên, khắc phục tích cực tình trạng nợ đọng văn bản. Tính từ tháng 08/2017 đến tháng 08/2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 204 văn bản, trong đó có 152 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, 52 văn bản quy định chi tiết thi hành luật sẽ có hiệu lực trong năm 2019. Nỗ lực này là cơ sở quan trọng cho kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Mặt khác, sự chỉ đạo thường xuyên và sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ cũng như tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng được cử tri và dư luận ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập, số lượng đơn, thư vẫn gia tăng. Có nơi tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Báo cáo Chính phủ cũng đã chỉ rõ thực trạng này và nguyên nhân của nó.
Đại biểu Tô Văn Tám lưu ý thêm một nguyên nhân, đó là chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ sở. Một số nơi chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Khi phát sinh khiếu nại, tố cáo chưa làm hết trách nhiệm của mình, chưa quan tâm xem xét, giải quyết từ gốc (tức là từ cơ sở), thậm chí có hiện tượng cán bộ thách thức người dân khiếu kiện nên có nhiều việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Báo cáo Chính phủ cần đánh giá sâu thêm về tình trạng này. Thực tiễn cho thấy, nếu vụ việc khiếu nại, tố cáo mà được xem xét, giải quyết kịp thời, đúng chính sách pháp luật, có tình, có lý ngay từ đầu tại cơ sở thì người dân đồng tình, chấp thuận, ngược lại, vụ việc sẽ trở nên phức tạp và vượt cấp.
Chúng ta đang đi vào chiều sâu của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý theo tinh thần Chính phủ kiến tạo hành động nên hoạt động quản lý điều hành sẽ đụng chạm nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sẽ dẫn đến việc thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa sẽ dẫn tới áp lực thu hồi đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, tác động trực tiếp đến lợi ích và sinh kế của người dân. Cùng với sự suy thoái của một số bộ phận công chức trong thực thi công vụ là những vấn đề phát sinh nhiều khiếu kiện. Báo cáo của Chính phủ nhận định tình hình khiếu kiện của người dân trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp là một dự báo đúng và các giải pháp của Chính phủ chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện việc giải quyết khiếu nại trong năm 2019 là các giải pháp đồng bộ và xác thực.
Đại biểu Tô Văn Tám đề nghị: Thứ nhất, hết sức coi trọng sự đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt là trong giải quyết khiếu nại nhất là về vấn đề đất đai. Người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời, cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất. Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết chứ không chỉ là giai đoạn đầu mà phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện. Mặt khác, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể xã hội, các cá nhân có uy tín và cá nhân am hiểu pháp luật như luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hòa giải viên v.v... là rất quan trọng. Các cá nhân này sẽ tư vấn cho người khiếu nại tố cáo về mọi mặt, sẽ góp phần quan trọng cho việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bởi vậy, cần hoàn thiện các cơ chế pháp lý cho sự tham gia này để đảm bảo cho sự tư vấn đúng chính sách pháp luật, loại trừ hành vi lợi dụng tư vấn để xúi giục, kích động khiếu nại, tố cáo. Thứ hai, theo báo cáo của Chính phủ và qua thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo có 72% khiếu nại sai và 66,1% tố cáo sai, vấn đề đặt ra là hệ quả của những khiếu nại, tố cáo sai này như thế nào? Chưa có đánh giá và chưa có xử lý hành vi này. Luật Khiếu nại, tố cáo có quy định trách nhiệm của hành vi khiếu nại, tố cáo sai sự thật nhưng cơ chế xử lý như thế nào chưa được xác lập. Đây là hạn chế bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, có thể đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, Chính phủ cần quan tâm, xác lập cơ chế xử lý hành vi cố tình khiếu nại, tố cáo sai sự thật. Trên thực tế, có nhiều người tố cáo đi, tố cáo lại mà không thấy xử lý mà tố cáo đó giải quyết là sai thì họ cứ tưởng họ tố cáo như thế là đúng nên họ tiếp tục tố cáo. Thứ ba, trong thực tiễn giải quyết các vụ tồn đọng, kéo dài, có những việc đã có hiệu lực rồi, giải quyết qua nhiều thời kỳ rồi, đến thời kỳ lãnh đạo sau thì có những chính sách thay đổi nên lại vận dụng các chính sách, nhất là các chính sách xã hội mới nên lại giải quyết cho họ. Như vậy, vấn đề này có hai mặt. Mặt tích cực là đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của người dân mà trước đó đã quá thiệt. Nhưng mặt tiêu cực của nó là dễ dẫn đến người dân hiểu nhầm cứ khiếu nại là sẽ được. Thực ra, việc này không phải thời kỳ trước giải quyết sai, thời kỳ sau giải quyết lại mà lãnh đạo thời kỳ sau có nhưng chính sách xã hội mới, người ta vận dụng pháp luật trước, chính sách xã hội mới người ta giải quyết tiếp. Đó là mặt tích cực nhưng cũng dễ dẫn đến mặt tiêu cực là người ta tưởng cứ khiếu nại là được. Tôi nghĩ Chính phủ cũng nên đánh giá cách giải quyết như thế nào để có định hướng thống nhất cho các địa phương. Bây giờ nhiều địa phương có các cách giải quyết khác nhau. Tôi nghĩ cũng nên đánh giá và thống nhất lại cách giải quyết.