ĐƯA LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG VÀO THỰC TIỄN CUỘC SỐNG
15-2-2019
Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, xuất hiện cùng với việc quyền lực công cộng được tổ chức thành nhà nước, nó là mặt trái của quyền lực nhà nước, nghĩa là khi xuất hiện quyền lực nhà nước, thì có sự lạm dụng quyền lực nhà nước để vụ lợi của những người được trao và thừa hành quyền lực nhà nước, bởi vậy tất cả các quốc gia trên thế giới đều có hiện tượng tham nhũng ở mức độ này, mức độ khác, và các quốc gia đều chống hiện tượng này.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc phòng chống tham nhũng tùy thuộc vào thái độ của giới cầm quyền, và cơ chế chống tham nhũng của quốc gia đó. Nước ta cùng với quá trình đổi mới và thực hiện cơ chế thị trường định hướng XHCN, đã đạt dược những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tuy nhiên hiện tượng tham nhũng cũng có nguy cơ gia tăng và diễn biến tinh vi, phức tạp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã không giữ được phẩm chất, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhũng nhiễu, vụ lợi, thoái hóa biến chất, đã làm cho hiện tượng tham nhũng trở thành “ quốc nạn” gây nhiều thiệt hại về tài sản, tiền của của nhà nước và nhân dân, nguy hiểm hơn là làm phương hại đến uy tín của Đảng và nhà nước trong nhân dân. Bởi vậy Đảng và nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh chống hiện tượng tham nhũng, nhằm hạn chế và loại trừ hiện tượng này trong đời sống xã hội, đấu tranh phòng chống tham nhũng đòi hỏi thực hiện đồng bộ nhiều hình thức và biện pháp, trong đó biện pháp pháp lý có ý nghĩa hết sức quan trọng, biện pháp này đã được Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm và không ngừng hoàn thiện cơ chế pháp lý cho cuộc đấu tranh này, Chính phủ trong quá trình điều hành đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về phòng chống tham nhũng, năm 1998 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh phòng chồng tham nhũng, năm 2005 Quốc hội ban hành Luật phòng chống tham nhũng và được sửa đổi bổ sung vào các năm 2007 và 2012, các đạo luật này đã đi vào cuộc sống là công cụ quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta, tuy nhiên hiện tượng tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra cho công tác phòng chống tham nhũng, đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa công cụ pháp lý cho công tác này, Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi toàn diện Luật phòng chống tham nhũng và tại kỳ họp thứ sáu đã thông qua đạo luật này, gồm 11 chương 97 điều với những sửa đổi, bổ sung quan trọng như mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước đó là, áp dụng một số biện pháp phòng chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội có huy động đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; thu hẹp một bước cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập, đồng thời quy định cụ thể hơn quyền và nghĩa vụ của công dân, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng; bảo vệ, khen thưởng người phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng, tài sản thu nhập do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật, nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, tăng cường chế tài xử lý hành vi kê khai tài sản thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập tăng thêm không trung thực nghiêm khắc hơn so với Luật phòng chống tham nhũng cũ. Luật phòng chống tham nhũng vừa được sửa đổi, bổ sung toàn diện sẽ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tham nhũng trong giai đoạn mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên cũng cần phải nhìn nhận rằng, xây dựng hoàn thiện pháp luật về phòng chống tham nhũng là một quá trình khó khăn phức tạp, nhưng tổ chức thực hiện cũng khó khăn phức tạp không kém, đây là cái đảm bảo cho tính hiện thực của Luật phòng chống tham nhũng. Để tổ chức thực hiện tốt Luật phòng chống tham nhũng, trước hết phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết những nội dung được Luật giao,phát huy và tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong phòng chống tham nhũng, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tuyền truyền phổ biến Luật phòng chống tham nhũng sâu rộng trong nhân dân, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng và vai trò của quần chúng nhân dân trong phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, xử lý kịp thời và nghiêm minh các hành vi tham nhũng thực hiện triệt để chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rằng không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng…