VẤN ĐỀ SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
11-3-2019
Trên cơ sở hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Qua 3 năm triển khai tổ chức thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả tốt, trong quá trình tổ chức và hoạt động, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp, tuy nhiên một số quy định trong luật cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết 18 của BCHTW Đảng khóa XX, cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đó là: Một số quy định của luật về phân quyền, ủy quyền chưa được rõ ràng, việc tăng số lượng phó chủ tịch cấp huyện và cấp tỉnh còn nhiều vấn đề cần xem xét thật kỹ càng, quy định các chức danh chuyên trách trong tổ chức của Hội đồng nhân dân, đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương, là chưa phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế hiện nay của Đảng, Luật cũng chưa quy định việc thành lập Tổ đại biểu HĐND cấp xã, mà chỉ quy định cơ cấu 2 ban là Ban kinh tế và Ban pháp chế cũng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã; luật cũng không có quy định thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của HĐND cấp xã là chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Quan điểm và các định hướng lớn của Đảng thể hiện rất rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW/2017 về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, trong đó đáng lưu ý là: Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa các bộ ngành, các tổ chức trực thuộc các bộ ngành, và các cấp chính quyền địa phương, khắc phục triệt để sự trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính; đẩy mạnh phân công, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hợp lý giữa Chính phủ với các bộ ngành, giữa Chính phủ, các bộ ngành với chính quyền địa phương, và giữa các cấp chính quyền địa phương, để tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng tinh giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó, thực hiện thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn; nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện phù hợp với chức năng nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026….
Trên cơ sở các quy điểm định hướng lớn của Đảng sửa đổi bổ sung cần thể chế hóa các chủ trương định hướng lớn đó, đồng thời đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ thống nhất trong hệ thống pháp luật, kế thừa luật hiện hành, chỉ sửa đổi bổ sung những quy định không còn phù hợp, vướng mắc, bất cập, những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra và đòi hỏi, như vậy sửa đổi bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương lần này không phải là sửa đổi một cách toàn diện tất cả các nội dung của luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi bổ sung sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 năm nay./.