Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Luật này; Đồng thời đã tham gia 11 ý kiến cụ thể vào dự án luật. Đối với quy định của khoản 1 Điều 1 “Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định”, Đoàn đề nghị nghiên cứu lại quy định này cho phù hợp vì hiện nay hoạt động về Hòa giải thương mại được điều chỉnh bởi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ về Hòa giải thương mại; do đó, hoạt động về hòa giải không những bị điều chỉnh bởi các văn bản luật, mà còn bị điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật như Nghị định. Tại Khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật quy định “Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 28 của Luật này...”; Tuy nhiên tại điểm c, khoản 1 Điều 28 lại quy định Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải phải có nội dung “c) Diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại; kết quả hòa giải thành, kết quả đối thoại thành” việc quy định như dự thảo mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 4 là quá trình hòa giải không cho phép ghi âm, ghi biên bản hòa giải; nếu không được phép ghi biên bản, hòa giải thì sẽ không có căn cứ rõ ràng để ghi diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại theo quy định, do đó đề nghị điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất và chặt chẽ trong luật.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị bổ sung điều tra viên đã nghỉ hưu và Luật gia là đối tượng có thể bổ nhiệm làm Hòa giải viên vào Khoản 1 Điều 10. Đề nghị bổ sung vào dự thảo luật trường hợp tạm đình chỉ tư cách Hòa giải viên khi người đó đang bị điều tra, khởi tố nhưng chưa đưa ra xét xử, để đảm bảo tính bao quát và chặt chẽ của luật khi được thông qua; vì trong quá trình bị điều tra, Hòa giải viên không đủ điều kiện để thực thi nhiệm vụ hòa giải, đối thoại theo quy định của luật này; Do đó cần phải tạm đình chỉ tư cách và chuyển các vụ việc đang được Hòa giải viên đó thụ lý cho Hòa giải viên khác theo quy định. Nếu sau khi xét xử được công nhận vô tội thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm khôi phục lại tư cách Hòa giải viên đó theo đúng quy định./.