Thứ nhất, dự luật đã xác định đây là lực lượng quần chúng tự nguyện, được tổ chức hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quản của quần chúng cộng đồng dân cư, như vậy là đã tiếp cận và cụ thể hóa quan điểm của đảng về thế trận an ninh nhân dân, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên nhiều nội dung ở các điều khoản của luật như các quy định về tuyển chọn, bố trí sử dụng, cơ cấu tổ chức của lực lượng, xây dựng lực lượng, chế độ chính sách, bồi dưỡng, hỗ trợ, huấn luyện, địa điểm trụ sở làm việc v.v… lại cho cảm nhận như đang là xây dựng một lực lượng theo hướng chuyên nghiệp. So với các quy định của các luật chuyên ngành về lực lượng bán chuyên trách ở cơ sở thì các quy định của dự thảo đã quá công phu, ví như quy định tuyển chọn lực lượng dân quân tự vệ trong Luật dân quân tự vệ rất đơn giản, chỉ có 3 điểm: Lý lịch rõ ràng; chấp hành tốt chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; đủ sức khỏe… Trong khi đó các quy định này của dự thảo lại rất chặt chẽ. Bởi vậy các quy định như trong dự thảo đã chưa có tính thuyết phục với các đại biểu Quốc hội.
Thứ hai, tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, ngoài lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách, còn có các lực lượng, tổ chức, cá nhân khác, như tổ tự quản cộng đồng dân cư, các tổ tuần tra của cựu chiến binh, các hiệp sỹ đường phố, các hành vi của các cá nhân tích cực khác v.v… nhưng dự thảo luật đang hướng tới việc nhập ba lực lượng lại là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách, như thế là chưa bao quát hết các lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở sơ sở trên tinh thần toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nếu như dự luật được thiết kế theo hướng bao quát hơn, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho tất cả các lực lượng, các cá nhân, các tổ chức, các hành vi đã và đang tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở thì sức thuyết phục của dự luật sẽ lớn hơn.
Thứ ba, Báo cáo của Chính phủ đã phân tích rằng sẽ giảm số lượng, giảm chi từ ngân sách khi nhập ba lực lượng này, theo đó sẽ cắt giảm được 500.000 người hoạt động trong lực lượng này, và giảm chi 375 tỷ đồng/tháng, nhưng lại chưa phân tích đầy đủ là sẽ có bao nhiêu tổ chức, và biên chế khi thành lập lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở nếu dự án luật được thông qua, do vậy đã chưa chứng minh bằng phương pháp so sánh của lập luận sẽ cắt giảm số lượng người và giảm chi ngân sách, bởi vậy nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với lập luận của báo cáo, cũng như các quy định trong dự thảo luật, vẫn lo ngại sẽ phình tổ chức bộ máy và tăng chi ngân sách, đồng thời yêu cầu xem lại thật kỹ lưỡng việc xem xét dự án luật này./.