banner
Thứ 4, ngày 8/1/2025
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
5-11-2020
Từ ngày 03 đến ngày 04/11/2020, Quốc hội đã tiến hành 4 Phiên họp toàn thể tại Hội trường để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Tại các phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Tô Văn Tám và 78 đại biểu phát biểu, 8 đại biểu tranh luận, cho ý kiến về một số vấn đề:
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum họp Tổ thảo luận KTXH

Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đa số ý kiến đại biểu phát biểu đồng tình với nhiều nội dung Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện Báo cáo, có ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu về chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu cụ thể cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, thiên tai, khí hậu biến đổi khó lường. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: giải pháp đưa nền kinh tế phát triển bền vững; giải ngân vốn đầu tư công tránh dàn trải, lãng phí; giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; về tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai; cần đầu tư đánh giá để xây dựng bản đồ về những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai để có phương án, giải pháp phòng, chống; tăng cường hỗ trợ đầu tư cho công tác dự báo về tình hình thiên tai; bố trí kinh phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ việc di dời dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở, chú trọng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai; thực trạng và hiệu quả các công trình thủy điện, vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; tình trạng ô nhiễm nước thải ở khu vực nông thôn; vấn đề quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục; về công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp, giáo dục mầm non; các giải pháp đối với vấn đề lao động việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; chính sách đối với người cao tuổi; xã hội hóa y tế, về công tác y tế tại các vùng sâu, vùng miền núi; về an toàn an ninh mạng; về điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp huyện, xã…

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, một số ý kiến đại biểu cho rằng nên lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nguồn lực, giảm đầu mối quản lý. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các Chương trình: i) Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có ý kiến đề nghị trong việc phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, cần ưu tiên hệ số hỗ trợ cao hơn đối với các địa phương còn nhiều khó khăn; về xây dựng cơ chế đặc thù đối với các huyện điểm trong xây dựng nông thôn mới. ii) Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có ý kiến cho rằng cần tiếp tục tích hợp các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ trực tiếp các chính sách có ảnh hưởng đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế, còn lại hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả; phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương. iii) Về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các ý kiến đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có ý kiến đại biểu phát biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ. Bên cạnh đó, để có cơ sở Quốc hội xem xét tổng thể kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công cả giai đoạn 2016-2020, đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể, chi tiết hơn về việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 26 đến thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết 71. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ cần rà soát các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo Quốc hội cụ thể hơn về việc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao theo Nghị quyết 84, đồng thời giải trình rõ hơn về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong việc chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 84 của Quốc hội. Về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu đề nghị bổ sung thêm tổng mức vốn ngân sách Trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực dự kiến mức phân bổ cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 5 ý kiến đề nghị Chính phủ ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và triệt để sử dụng công cụ này để ngăn chặn, xử lý thỏa đáng và loại trừ các lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai; về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm trong khắc phục thiên tai, bão lũ, về thành quả phát triển của đất nước; về lịch sử, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên mạng xã hội làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh thể chế của chính quyền; Công tác chống quốc nạn tham nhũng của Đảng và Nhà nước; Nghiên cứu có cơ chế mới để làm sao vừa thu hút đầu tư nước ngoài, vừa đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh để tăng thêm sự thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi, Tây Nguyên. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp thông tin thêm để các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri rõ thêm vấn đề có phải là nội dung cuốn sách giáo khoa lớp 1 vẫn quá tải không? Nếu quá tải thì quá trình chỉ đạo, biên soạn sách giáo khoa lớp 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội là khắc phục tình trạng quá tải ra sao? Quan tâm tháo gỡ khó khăn ở địa phương cơ sở đang thiếu giáo viên tiểu học và mầm non, cũng như thiếu các thiết bị dạy và học…

Theo đại biểu Tô Văn Tám việc phát triển cây dược liệu và phát triển chăn nuôi đang là một lợi thế của tỉnh Kon Tum và đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Nhưng theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Quyết định 66 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không có đối tượng là quy mô vùng đối với việc sản xuất dược liệu và chăn nuôi. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định này để tỉnh có cơ sở xem xét trong việc tổ chức thẩm định công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ngày 05/11/2020, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước./.

Hồ Nam VPĐ ĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ nhất của kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon XUNG QUANH VẤN ĐỀ XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH LUẬT ĐẢM BẢO TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Icon Hoạt động trong tháng 10 và 11/2020 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon TÌNH HÌNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THỜI GIAN QUA
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ 10 - Quốc hội khóa XIV
Icon Tham gia Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính
Icon VỀ VẤN ĐỀ PHỐI HỢP THỰC THI NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG TRONG DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM
Icon VỀ VẤN ĐỀ HÌNH THỨC VÀ MỨC XỬ PHẠT TRONG DỰ THẢO LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Icon VẤN ĐỀ CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE