Phát biểu tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh thống nhất cao việc xây dựng và thông qua Luật Cảnh sát cơ động. Qua bảy năm thực hiện Pháp lệnh cảnh sát cơ động, lực lượng cảnh sát cơ động đã được tổ chức chặt chẽ, thực hiện và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên đến nay Pháp lệnh cảnh sát cơ động năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ để khắc phục, tạo hành lang pháp lý để cảnh sát cơ động hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Về tham gia cụ thể vào nội dung dự án Luật cảnh sát cơ động đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị xem xét thêm về việc xác định chức năng của cảnh sát cơ động nêu tại Điều 3 của Dự án luật về quy định vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động. Vì quy định trên dẫn tới chồng lấn về việc xác định chức năng của một số lực lượng khác đã được luật quy định như lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng biên phòng Việt Nam, dẫn tới việc không xác định được lực lượng nào là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở những địa bàn cụ thể như trên biển, khu vực biên giới và trong nội địa. Do vậy cần có quy định cụ thể trong Luật Cảnh sát cơ động để tránh tình trạng có sự chồng lấn về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các lực lượng nêu trên.
Đối với Điều 13, đại biểu thống nhất lựa chọn phương án 1 (Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động) vì phương án này vừa xác định rõ mô hình đặc thù của cảnh sát cơ động, vừa đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp thống nhất của Bộ trưởng Bộ Công an đối với các lực lượng trong Công an nhân dân Việt Nam.
Theo chương trình kỳ họp, buổi chiều cùng ngày Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ./.