Phát biểu tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh có ý kiến: Thứ nhất, đối với Luật Đầu tư công thì tại Khoản 4, Điều 1 của Dự thảo Luật dự kiến bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5, điều 17 quy định "5a. Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này.
HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này”.
Tuy nhiên, theo đại biểu trong thực tế các dự án hỗ trợ kỹ thuật để chuẩn bị dự án đầu tư thường được nhà tài trợ nước ngoài tài trợ để hỗ trợ giai đoạn chuẩn bị dự án và được thực hiện dưới hình thức cung cấp tư vấn, chuyên gia, tài liệu, khảo sát chuẩn bị dự án. Quyết định số 2109/QĐ-TTg ngày 15/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã đề ra nguyên tắc vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Vì vậy đại biểu đề nghị để đảm bảo tính phù hợp về nguyên tắc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đề nghị cơ quan trình cần có giải thích, giải trình làm rõ hơn về vấn đề này để Quốc hội xem xét, quyết định.
Quy định về thẩm quyền quyết định phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dự kiến bổ sung tại khoản 5a trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư công, có nội dung không thống nhất với quy định tại Điều 29 Luật Quản lý nợ công. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan trình tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đối chiếu để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, điều chỉnh điều 29 Luật quản lý nợ công nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ở Trung ương và HĐND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Thứ hai, đối với Luật Đầu tư được dự kiến sửa đổi, bổ sung thì tại Điều 3 của Dự thảo Luật, xuất phát từ yêu cầu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư như Tờ trình của Chính phủ đã nêu đại biểu đề nghị nên xem xét, sửa đổi bổ sung cả điểm a, khoản 1, Điều 32 theo hướng giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh, đối với dự án đầu tư có đề nghị cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, nhưng việc điều chỉnh quy hoạch thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Vì trường hợp đất đã phù hợp với quy hoạch được duyệt, thì việc chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, không phải chỉ thực hiện được sau khi đã có thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với nội dung tại điểm a, khoản 1, Điều 32 sau khi sửa đổi, bổ sung, theo đại biểu nên giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với các dự án đã phù hợp quy hoạch và có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất)./.