Đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày. Tại Báo cáo trình Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã nhận xét, đánh giá rất rõ, rất cụ thể về những hạn chế, yếu kém, bất cập tại các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác quy hoạch trong thời gian qua. Qua giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành ở địa phương, đại biểu nhận thấy còn nhiều vấn đề chồng chéo, vướng mắc tại các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan quy định, hướng dẫn công tác quy hoạch ở cả cấp trung ương và địa phương, cần kịp thời rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch trong thời gian tới. Như một vài vướng mắc giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị: Thứ nhất, theo nội dung khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Nội dung khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 là "Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống ở đô thị được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị". Thực tế, khi địa phương triển khai lập quy hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013 và quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị đã phát sinh mâu thuẫn và khó khăn trong quá trình thực hiện, như mục đích sử dụng đất một số vị trí không thống nhất với nhau dẫn đến trường hợp người sử dụng đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất, nhưng việc cấp phép xây dựng phải phù hợp với quy hoạch đô thị. Về nguyên tắc, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng phải có sự thống nhất cả về không gian, thời gian, phù hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi loại quy hoạch, tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào quy định về vấn đề này. Thứ hai, công tác lập quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng có những điểm khác biệt nhau gây khó khăn trong công tác quản lý và thực hiện, như về thời gian kỳ quy hoạch không thống nhất. Đối với kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm; Kỳ quy hoạch xây dựng có nhiều kỳ, gồm 5 năm, 10 năm, 20 năm và dài hơn tùy theo từng tỷ lệ lập quy hoạch. Về không gian quy hoạch sử dụng đất thực hiện theo đơn vị hành chính. Quy hoạch đô thị thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, trong đó một số nội dung không căn cứ vào địa giới hành chính.
Từ những vướng mắc phát hiện qua giám sát ở địa phương và những tồn tại, hạn chế, bất cập được nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội trình tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh đã đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo về quy hoạch và phát triển đô thị giữa pháp luật về quy hoạch đô thị với quy định về quản lý đất đai, quy hoạch xây dựng nhà ở, v.v.. Những vấn đề chưa sửa đổi, bổ sung được ngay thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cần có cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch. Cần tăng cường và thực hiện thường xuyên công tác giám sát của Quốc hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, tháo gỡ đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác quy hoạch ở cấp trung ương và địa phương. Đề nghị Chính phủ tổ chức rà soát và kịp thời có các biện pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch nói chung, công tác lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thời kỳ 2021-2030 nói riêng, trong đó cần quan tâm bố trí thỏa đáng với nguồn lực của Nhà nước để phục vụ tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt, công bố các quy hoạch. Đồng thời, sớm ban hành cơ chế, chính sách hướng dẫn để huy động các nguồn tài chính khác nhằm phục vụ tốt hơn nhiệm vụ, công tác quy hoạch, đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 119 ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.
Theo Chương trình kỳ họp thứ 3, chiều ngày 16/6/2022 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”./.