Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kon Tum cơ bản thống nhất với nội dung Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Phạm Đình Thanh có ý kiến:
1. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 2 (Nghị quyết số 42/2021/QH15) và Nghị quyết kỳ họp thứ ba (Nghị quyết số 63/2022/QH15) của Quốc hội về "đánh giá, rà soát những khó khăn, vướng mắc và bất cập trong thời gian thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng sinh sống tại các khu vực II, III được chuyển lên khu vực I" và " đánh giá, đề xuất giải pháp, lộ trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do việc điều chỉnh danh sách các xã, thôn khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi". Thực tế ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay nhiều xã trước đây thuộc khu vực II, khu vực III nay chuyển lên khu vực I nhưng vẫn còn rất nhiều đối tượng khó khăn trong cuộc sống, rất cần được rà soát, đánh giá thực trạng để sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là chính sách hỗ trợ của Nhà nước về mua bảo hiểm y tế và chế độ bán trú cho học sinh, giáo viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (Gồm chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi) cấp năm 2022 để tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Đề nghị Chính phủ xem xét, phân cấp trong phê duyệt danh mục dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để giảm thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình; việc phân cấp này là đảm bảo thực hiện đúng theo nguyên tắc "đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia" được Chính phủ đề ra tại Nghị định 27/CP ngày 19 tháng 4 năm 2022.
3. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm đầu tư sớm hoàn thiện tuyến đường Quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi. Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 168 km, trong thời gian qua được đã Trung ương đầu tư xây dựng hoàn thiện khoảng 106 km, phần còn lại chưa được đầu tư khoảng 62,2 km. Theo Đại biểu Thanh, việc đầu tư hoàn thiện tuyến đường Quốc lộ 24 cũng là một nội dung cần thực hiện theo Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 06/10/2020 của Bộ Chính trị đối với vùng Tây Nguyên, đó là "phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng với các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế".
4. Về cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất với dự thảo nghị quyết của Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, ngoài việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho những địa phương thuận lợi thì cũng nên quan tâm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện khó khăn, sớm vươn lên cùng với các địa phương khác trong cả nước.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 2 ý kiến về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022; việc hoàn thiện thể chế pháp luật để tạo khung pháp lý cho quá trình tổ chức, thực hiện phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.
Phát biểu kết thúc buổi thảo luận, đồng chí U Huấn thống nhất với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong Tổ đã phát biểu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ trong quá trình đánh giá khuyết điểm về việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, cũng cần lưu ý đến nguyên nhân khách quan do ảnh hướng của thời tiết, bão, lũ gây ra.