Hiện nay trong cả nước có rất nhiều tổ chức được thành lập để bảo vệ quyền lợi cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi… (đây là những người yếu thế - dễ bị tổn thương trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, thảm họa). Vì vậy, Dự án luật cần rà soát để bổ sung các quy định phù hợp nhằm huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức này, kể cả các tổ chức xã hội tự nguyện do người dân lập nên để cùng với các lực lượng khác thực hiện hoạt động cứu trợ, cứu nạn, hỗ trợ sau thiên tai, thảm họa, dịch bệnh cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương theo tôn chỉ, mục đích hoạt động của từng tổ chức.
Đại biểu Quốc hội Phạm Đình Thanh phát biểu thảo luận
Về đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự, dự kiến quy định tại khoản 1 Điều 16 của luật, Đại biểu Thanh đề nghị nên giao cho một cơ quan chủ trì, có thể giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ quy định thống nhất về nội dung, thời gian đào tạo, huấn luyện, diễn tập cho các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự. Đối với địa phương, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, lực lượng quân sự địa phương sẽ làm nòng cốt, chủ trì tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đào tạo huấn luyện, diễn tập cho lực lượng phòng thủ dân sự ở địa phương để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ nhằm phát huy hiệu quả cao trong phòng, chống, xử lý, khắc phục hậu quả do sự cố, thảm họa gây ra.