Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng hồ sơ, chuẩn bị tài liệu dự án Luật trình Quốc hội, cơ bản thống nhất với báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo luật. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung, đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số từ ngữ, thuật ngữ, điều khoản, nội dung cụ thể trong dự thảo luật nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật phù hợp, khoa học và khả thi hơn. Bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội. Bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên như đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước phát biểu thảo luận
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước cơ bản thống nhất với dự thảo luật này và tham gia 3 ý kiến xây dựng luật. Về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, theo đại biểu cần bổ sung thêm các chính sách đặc thù hỗ trợ cho người chưa thành niên chấp hành xong biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nơi có điều kiện sống văn hóa và kinh tế còn nhiều khó khăn. Các chính sách trên cần tập trung vào việc đào tạo nghề gắn với những ngành nghề truyền thống như nông nghiệp, chăn nuôi và thủ công mỹ nghệ, phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa địa phương. Đồng thời cần tăng cường hỗ trợ tư vấn tâm lý và pháp lý bằng ngôn ngữ dân tộc để giúp người tái hòa nhập vượt qua rào cản ngôn ngữ và phong tục.
Tại Điều 136 dự thảo luật quy định giám sát điện tử là biện pháp ngăn chặn để thay thế tạm giam đối với người chưa thành niên đang bị tạm giam. Đây là một biện pháp ngăn chặn mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự. Với tính chất là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, việc thi hành các biện pháp ngăn chặn có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 14 của Hiến pháp và để thống nhất với các quy định về thi hành các biện pháp khác, cần làm rõ các điều kiện bảo đảm thi hành biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử. Như mô hình quản lý thiết bị giám sát điện tử (hệ thống máy chủ, thiết bị giám sát ?), cơ quan quản lý ? cách thức quản lý ? việc gắn thiết bị giám sát điện tử và kinh phí bảo đảm ? việc xử lý vi phạm khi người bị áp dụng phá hủy thiết bị, vi phạm nghĩa vụ ? và thời điểm áp dụng quy định để đảm bảo tính khả thi.
Quang cảnh phiên thảo luận
Tại Điều 158 của dự thảo luật đã bổ sung thêm khoản 6, trong đó có quy định là căn cứ vào điều kiện thực tế thì Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng sẽ quyết định tổ chức trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân. Được biết thì cả nước hiện nay có trên 1800 phạm nhân là người dưới 18 tuổi đang chấp hành án trong các trại giam do Bộ Công an quản lý. Nếu chúng ta xây dựng trại giam riêng để giam giữ số người dưới 18 tuổi chấp hành án này thì vấn đề đặt ra là sẽ phải bố trí như thế nào, quy mô ra sao và việc phát sinh thêm chi phí cho ngân sách nhà nước và nguồn lực để thực hiện có bảo đảm hay không, tác động đến xã hội, tâm lý của người chấp hành án và gia đình như thế nào. Theo đại biểu thì phạm nhân là người chưa thành niên chỉ cần bố trí giam giữ tập trung tại phân trại hoặc là khu giam giữ riêng của một số trại giam trên địa bàn cả nước để thuận lợi cho việc quản lý giáo dục và thực hiện chế độ, chính sách cho phạm nhân là người chưa thành niên, như vậy cũng đảm bảo cho việc thi hành án;...
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 4 ý kiến về người làm công tác xã hội; người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã; về tham gia chương trình học tập, dạy nghề của người chưa thành niên phạm tội; về trách nhiệm của gia đình;…/.