banner
Thứ 4, ngày 11/12/2024
Tăng cường hơn nữa công tác chấn chỉnh và quản lý bảo vệ rừng
19-11-2014
Ngày 08/3/2013, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định 150/QĐ-UBND ban hành phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2013- 2015 trên địa bàn. Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2013- 2015, bước đầu cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tăng cường hơn nữa công tác chấn chỉnh và quản lý bảo vệ rừng
Khu bảo tồn Quốc gia Chư Mo Rai

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum: Tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng giảm so với cùng kỳ 181 vụ, giảm 20% (cùng kỳ năm 2012 là 905 vụ, năm 2013 là 724 vụ). Diện tích rừng bị phá giảm 28,595 ha. Tình hình phá rừng trái pháp luật tại các điểm nóng phần nào đã được hạn chế, đã kịp thời phát hiện các vụ mua bán, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Một số huyện đã giảm số vụ số vụ vi phạm với tỷ lệ cao là Đăk Glei, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.

Có được kết quả trên là do UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phương án; từ đó Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền; chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng huy động lực lượng tuần tra, kiểm soát, truy quét tại những khu vực trọng điểm về phá rừng trái phép làm nương rẫy. Bên cạnh đó là tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh; thông báo cấp dự báo cháy rừng, xây dựng kế hoạch hoạt động, chỉ đạo các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR, tổ chức trực, tăng cường tại các khu vực trọng điểm. Ngoài ra, triển khai thực hiện phương án tổng quan giao rừng, cho thuê rừng; xây dựng phương án xử lý đất chồng lấn, lấn chiếm nằm trong lâm phần các đơn vị chủ rừng.

Tuy nhiên, phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được các huyện, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ theo đúng yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; một số địa phương còn chậm triển khai xây dựng phương án; Ban Chỉ đạo và tổ công tác đặc biệt một số huyện, thành phố chưa thực sự có những chỉ đạo quyết liệt nhằm hạn chế tình trạng vi phạm lâm luật, chủ yếu vẫn còn giao cho Hạt Kiểm lâm thực hiện; các địa phương chưa có kế hoạch thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất để nhân dân sản xuất ổn định lâu dài nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra; việc xử lý vi phạm lâm luật bảo vệ và phát triển rừng còn bất cập, chưa nghiêm minh dẫn đến tính răng đe giáo dục của pháp luật hạn chế...

Để thực hiện tốt phương án trong thời gian tới, tại hội nghị sơ kết tình hình triển khai thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng giai đoạn 2013- 2015 do UBND tỉnh tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tham mưu cho Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, ban hành kế hoạch thực hiện phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trong năm 2014; Tiếp tục hướng dẫn, theo dõi, giám sát và tổng hợp việc triến khai, thực hiện Phương án, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh biết, chỉ đạo; Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tăng cường công tác tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; thực hiện nghiêm việc thừa hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng; thường xuyên kiểm tra, giám sát trách nhiệm bảo vệ rừng, PCCCR của các đơn vị chủ rừng nhằm hạn chế tối đa việc xâm hại tài nguyên rừng.

Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng các huyện, thành phố: Tiếp tục rà soát, bổ sung lãnh đạo các đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn làm thành viên Ban Chỉ đạo; ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, trong đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên, từng ngành, đơn vị liên quan theo lĩnh vực phụ trách; Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Phương án, chỉ đạo Tổ công tác đặc biệt tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng; thực hiện đúng những yêu cầu, mục tiêu, nội dung Phương án đã xây dựng; Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều hình thức nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng; chú trọng việc tuyên truyền trực tiếp đến người dân sống gần rừng, những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đất sản xuất để có giải pháp bố trí đất sản xuất cho nhân dân một các hợp lý nhằm ổn định cuộc sống; đề nghị UBND huyện, thành phố quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy và giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số để giảm sức ép về đất sản xuất trên địa bàn; Tăng cường các lực lượng tổ chức tuần tra, truy quét; giải quvết dứt điểm các điểm nóng về vi phạm quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn, đảm bảo giảm thiểu số vụ, mức độ thiệt hại theo mục tiêu phương án đề ra. Chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm rừng trái phép, kiên quyết không cho canh tác và buộc trồng lại rừng để khắc phục hậu quả; nghiên cứu các quy định của pháp luật để xử lý linh hoạt và có hiệu quả hơn đối với các vụ vi phạm há rừng trái phép làm nương rẫy, đặc biệt là đối vớii các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo pháp luật những vụ án trọng điểm về phá rừng, tổ chức xét xử lưu động tại thôn, làng có người vi phạm để nâng cao tính giáo dục, răn đe.

Đối với Công an tỉnh: Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát và có giải pháp xử lý triệt để phương tiện xe độ chế đang hoạt động lưu thông trên địa bàn tỉnh; điều tra, xác định đối tượng và triệt phá những đầu nậu buôn bán lâm sản trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân lấn chiếm đất trái phép; tham mưu UBND tỉnh thu hồi một số diện tích đất lâm nghiệp không có rừng của các chủ rừng để giao lại cho chính quyền địa phương bố trí cho các hộ dân thiếu đất sản xuất và đất ở. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các Đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ người, phương tiện, ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trong khu vực biên giới; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để chủ rừng, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại khu vực biên giới. Các chủ rừng: Tăng cường trách nhiệm quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện phương án; phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết diện tích đất giao chồng lấn, đất lấn chiếm nằm trên lâm phần của từng đơn vị; tăng cường đầu tư cho việc trồng rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho nhân dân./.

Hải Phong  
Tin liên quan:
Icon Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2014
Icon Chất lượng công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE