Gần đây một số người lớn tiếng yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo xã hội và đất nước, hoặc đòi phải mở rộng dân chủ bằng việc thực hiện đa nguyên đa đảng, hay từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lê Nin, từ bỏ con đường mà đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, họ cho rằng sự lựa chọn đó là sai lầm và đem đến bao hệ luỵ cho dân tộc Việt Nam vv.. Vậy sự thật của vấn đề là ở đâu? Lý luận và thực tiễn lịch sử chứng minh điều gì ? Một hiện thực lịch sử mà không ai có thể phủ nhận được đó là trước khi có đảng, các lực lượng chính trị và trào lưu tư tưởng đã được thử nghiệm trên vũ đài chính trị của cách mạng Việt Nam, nhằm giải đáp một vấn đề của lịch sử đặt ra và cũng là nguyện vọng tối cao của dân tộc Việt Nam, đó là đánh đổ thực dân phong kiến giành độc lập dân tộc tự do hạnh phúc cho nhân dân. Tiêu biểu cho lực lượng chính trị và trào lưu tư tuởng bấy giờ là phong trào Cần Vương, khởi nghĩa vũ trang Yên Thế, cuộc vận động Duy Tân, phong trào Đông Du, khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc Dân Đảng vv... Các phong trào trên đều ngời sáng tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất, nhưng đều thất bại, không tìm ra lời giải đáp của lịch sử, mà nguyên nhân của sự thất bại đó là không có một đường lối cứu nước đúng đắn, phù hợp với quy luật vận động phát triển của lịch sử.
Vượt qua tầm nhìn và giới hạn lịch sử của các trào lưu tư tưởng đương thời, Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) dự cảm, tiếp cận và nhận thức rõ một cách vững chắc con đường chân chính nhất, cách mạng nhất, đúng đắn nhất để đáp ứng nguyện vọng tối cao của dân tộc đó là con đường cách mạng vô sản Người khẳng định: “Muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và: “Chỉ có CNXH và CNCS mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và nhân dân trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người đã lập ra chính đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, truyền bá con đường cứu nước để giác ngộ quần chúng công nông, chuẩn bị tiền đề, điều kiện, và lực lượng và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thắng lợi, đánh đổ thực dân đế quốc phong kiến, giành độc lập cho dân tộc, lập nên chính thể của nhân dân lao động Việt Nam, tiến hành các cuộc chiến tranh giữ gìn nền độc lập tự do, xây dựng đất nước, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân, bởi vậy sự lựa chọn con đường cách mạng vô sản cũng chính là sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam, chứ không phải là ý muốn chủ quan của một cá nhân nào.
Lý luận và thực tiễn cũng đã chỉ ra rằng, vấn đề không phải là một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo mới là dân chủ, mà là ở chỗ đảng lãnh đạo đó có trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc hay không. Đối với đảng ta, ngay từ khi ra đời đã đề ra tôn chỉ mục đích của mình đó là: Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập... Đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và bọn phong kiến, thu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công và chia cho dân cày nghèo.. miễn thuế cho dân nghèo, thực hiện nam nữ bình quyền, đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân... và đối với đảng thì ngoài phụng sự lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc không có lợi ích nào khác... Và trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng của mình đảng ta luôn trung thành với tôn chỉ mục đích đó, ngay cả khi tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc” nền tự do độc lập non trẻ đứng trước sự đe doạ nghiêm trọng, các đảng phái khác tham gia chính phủ liên hiệp sau cách mạng tháng 8, hoặc là câu kết với thực dân đế quốc mưu làm đảo chính phản cách mạng, hoặc đi theo đế quốc, hay bỏ ra nước ngoài, đảng cộng sản Việt Nam vẫn trung thành với nguyện vọng tối cao của dân tộc là giữ gìn nền tự do độc lập, đã lèo lái con thuyền cách mạng né tránh sóng gió, nhằm giữ cho được nền độc lập một cách hoà bình, đã nhân nhượng với tất cả những gì có thể (hiệp định sơ bộ 6-3; tạm ước 14- 9…) cho đến khi không thể nhân nhượng được nữa, nếu tiếp tục nhân nhượng là sẽ phản bội lợi ích dân tộc, đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành trường kỳ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập và đã giành thắng lợi cuối cùng. Như vậy là chúng ta cũng đã từng thực hiện đa đảng trong chính phủ, tuy nhiên thử thách của thực tiễn lịch sử, đã chứng minh sự thiếu trung thành với cách mạng, với dân tộc của các đảng phái, và họ bị chính nhân dân, bị chính lịch sử đào thải, và cũng chính họ tự đào thải mình. Về vấn đề này khi trả lời phỏng vấn báo chí về các vị lãnh đạo thuộc các đảng phái trong chính phủ liên hiệp không tham gia kháng chiến giữ gìn nền độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đại ý rằng: Chính các vị ấy đã bỏ trốn, và các vị ấy hãy tự vấn lương tâm mình, tự chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Đất nước giang sơn Việt Nam là một khối thống nhất không thể chia cắt, ấy vậy mà vẫn có thế lực âm mưu và thực hiện chia cắt đất nước, bằng việc không thực thi hiệp định Giơ Ne Vơ, phá hoại tổng tuyển cử thống nhất tổ quốc đã được ấn định, dựng lên ở Nam Việt Nam một chính phủ cực kỳ phản động, người dân Việt Nam mãi không quên những cỗ máy chém, những phương tiện giết người hiện đại của cái gọi là “thế giới văn minh” đã gây nên bao tang thương cho người dân đất Việt. Độc lập dân tộc thông nhất tổ quốc đó là nguyện vọng tối cao của dân tộc Việt Nam, với lòng trung thành vô hạn với dân tộc, đảng ta đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến thần kỳ, toàn dân tộc đứng lên đoàn kết xung quanh đảng, đánh đuổi đế quốc và tay sai, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH. Những trì trệ, yếu kém chủ quan duy ý chí, những sai lầm trong dựng xây đất nước, đã được nghiêm túc nhìn nhận và kiên quyết sữa chữa, đó cũng là yêu cầu lớn của nhân dân đối với đảng, công cuộc đổi mới là hành động thực tiễn, đoạn tuyệt với lối tư duy cũ, cơ chế cũ, đưa đất nước phát triển những bước vượt bậc, vị thế của nước nhà ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, những thành tựu của 20 năm đổi mới là một thực tế không thể phủ nhận, đó là thành quả của nhân dân dưới sự lãnh đạo của đảng. Như vậy sự lãnh đạo của đảng đối với cách mạng Việt Nam, là sự lựa chọn của lịch sử và của nhân dân “Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của đảng ta”. (Văn kiện đại hội VII)./.