Tại kỳ họp thứ Bảy - Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã thảo luận và thông qua 11 luật:
1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế: Luật này có 2 Điều; sửa đổi, bổ sung 28 Điều của Luật bảo hiểm y tế; có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam: Luật này có 2 Điều; sửa đổi, bổ sung Điều 13 (Người có quốc tịch Việt Nam) và bãi bỏ khoản 3 Điều 26. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/7/2014.
3. Luật bảo vệ môi trường: Luật này quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường. Luật có 20 chương, 170 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Luật bảo vệ môi trường số 52/2005/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực).
4. Luật hải quan: Luật này quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hoá được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của Hải quan. Luật có 8 chương, 104 điều; sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số nội dung trong 6 điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong 2 điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Luật hải quan số 29/2001/QH10 và Luật số 42/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hải quan hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực).
5. Luật công chứng: Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Luật có 10 chương, 81 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Luật công chứng số 82/2006/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành).
6. Luật phá sản: Luật này quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Luật có 14 chương, 133 điều; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Luật phá sản số 21/2004/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực).
7. Luật hôn nhân và gia đình: Luật này quy định chế độ hôn nhân và gia đình; chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên gia đình; trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình. Luật có 9 chương, 133 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Luật hôn nhân và gia đình số 22/2000/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực).
8. Luật đầu tư công: Luật này quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật có 6 chương, 108 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
9. Luật xây dựng: Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Luật có 10 chương, 168 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 (Luật xây dựng số 16/2003/QH11 và Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 hết liệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực).
10. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa: Luật có 3 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều và sửa đổi một số từ ngữ của Luật giao thông đường thủy nội địa; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.
11. Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Luật này quy định nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục, quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Luật có 9 chương, 55 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015./.