Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum trong tuần thứ ba của kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII
20-11-2014
Từ ngày 03 đến ngày 07/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã tiến hành tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 8. Trong tuần làm việc này, Quốc hội tập trung vào Công tác xây dựng pháp luật. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cùng đại biểu Quốc hội cả nước tham gia 5 buổi làm việc ở Hội trường để nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự; Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Luật thú y;... Đồng thời tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của các dự thảo luật: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.
Đại biểu Quốc hội Y Mửi phát biểu thảo luận xây dựng luật tại Tổ
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đã phát biểu tại hội trường tham gia 3 ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự về quyền yêu cầu thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án và nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong thi hành án. Theo đại biểu Tô Văn Tám, việc xác minh tài sản, thu nhập của người phải thi hành án thường là không dễ dàng. Người phải thi hành án có thể có nhiều địa bàn ở khác nhau hoặc có thu nhập ở nơi khác với người được thi hành. Tài sản có thể nằm ở nhiều địa phương khác nhau và cũng có thể ở nước ngoài. Mặt khác, người phải thi hành án thường có những hành vi tẩu tán tài sản, che giấu nguồn thu nhập v.v... Vì vậy trong quá trình xác minh điều kiện thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc của người được thi hành án nếu không có sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của cơ quan tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của chính quyền sở tại thì sẽ rất khó khăn. Tại Khoản 5, Điều 44 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án mới chỉ quy định cung cấp thông tin khi đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản. Theo quy định này có thể hiểu rằng nếu họ không có thông tin về tài sản hoặc không quản lý tài sản thì họ không có trách nhiệm cung cấp và cũng không có trách nhiệm gì cả đối với việc xác minh. Đại biểu Tô Văn Tám cho rằng nếu không nắm giữ thông tin thì tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chính quyền sở tại cần phải giúp đỡ, tạo điều kiện bằng nhiều cách khác nhau như vận động, tuyên truyền người phải thi hành án, có biện pháp hạn chế hoặc ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản v.v... Bởi vậy đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện trong quá trình xác minh tài sản thu nhập của cá nhân, tổ chức, nhất là của chính quyền sở tại đối với cơ quan thi hành án và người được thi hành án khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án vào khoản này.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã tham gia 5 buổi thảo luận Tổ cùng với các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, Hà Nam và Thừa Thiên Huế đối với 6 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương; Chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Các đại biểu Quốc hội Y Mửi, Tô Văn Tám, Nguyễn Vinh Hà và Võ Trọng Việt đã tham gia 11 lượt phát biểu với 54 ý kiến vào các nội dung này./.