1. Luật tổ chức Quốc hội:
Luật có 7 chương, 102 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; đại biểu Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội; Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; kỳ họp Quốc hội; Tổng thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016; Luật tổ chức Quốc hội số 30/2001/QH10 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 83/2007/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
2. Luật tổ chức Tòa án nhân dân:
Luật có 11 chương, 98 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, trừ khoản 1 Điều 4, Điều 24, Điều 34, điểm b khoản 1 Điều 38, Điều 41, khoản 1 Điều 45, Điều 46, khoản 4 Điều 51, khoản 3 Điều 55, khoản 3 Điều 58, Điều 67, khoản 4 Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 70, Điều 71, Điều 72, Điều 73, khoản 2 Điều 95 thì có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.
3. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân:
Luật có 6 chương, 101 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân; về Kiểm sát viên và các chức danh khác trong Viện kiểm sát nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, trừ các Điều 40, Điều 49, các khoản 3, 4 và 5 Điều 63, Điều 74, Điều 76, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 79, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 80, khoản 1 Điều 93 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.
4. Luật bảo hiểm xã hội:
Luật có 9 chương, 125 điều quy định chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động; cơ quan bảo hiểm xã hội; quỹ bảo hiểm xã hội; thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội và quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
5. Luật căn cước công dân:
Luật có 6 chương, 36 điều quy định về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; việc quản lý, sử dụng thẻ Căn cước công dân; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Theo quy định của luật, Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân (thay thế Chứng minh nhân dân). Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn quy định (15 năm); khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
6. Luật hộ tịch:
Luật có 7 chương, 77 điều quy định về hộ tịch (gồm các sự kiện hộ tịch: Khai sinh; Kết hôn; Giám hộ; Nhận cha, mẹ, con; Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch và Khai tử. Xác định tình trạng nhân thân của cá nhân từ khi sinh ra đến khi chết); quyền, nghĩa vụ, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; Cơ sở dữ liệu hộ tịch và quản lý nhà nước về hộ tịch. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam:
Luật có 3 điều, quy định 40 nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và 1 nội dung (Điều 19) của Luật giá. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
8. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự: Luật có 3 điều, quy định 49 nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ của Luật thi hành án dân sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
9. Luật nhà ở:
Luật có 13 chương, 183 điều quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
Luật nhà ở quy định: Các đối tượng sau đây nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 51 của Luật này thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này; Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
10. Luật kinh doanh bất động sản:
Luật có 6 chương, 82 điều quy định về kinh doanh bất động sản, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Luật kinh doanh bất động sản số 63/2006/QH11 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
11. Luật đầu tư:
Luật có 7 chương, 76 điều quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015; Luật đầu tư số 59/2005/QH11 và Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
12. Luật doanh nghiệp:
Luật có 10 chương, 213 điều quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
13. Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp:
Luật có 10 chương, 66 điều quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015.
14. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Luật đã điều chỉnh tăng thuế suất và lộ trình thực hiện đối với mặt hàng rượu như sau: Đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018 (thay vì tăng thuế suất từ 50% lên 65% ngay từ ngày 01/7/2015). Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018 (thay vì tăng thuế suất từ 25% lên 35% từ ngày 01/7/2015).
15. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế:
Luật có 6 điều. Luật đã sửa đổi, bổ sung 9 điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13; Sửa đổi, bổ sung 7 điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13; Sửa đổi, bổ sung 3 điều của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13; Sửa đổi, bổ sung 2 điều của Luật thuế tài nguyên số 45/2009/QH12; Sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Bãi bỏ các nội dung quy định về tỷ giá khi xác định doanh thu, chi phí, giá tính thuế, thu nhập tính thuế, thu nhập chịu thuế và thuế nộp ngân sách nhà nước tại Điều 8 và khoản 3 Điều 9 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13; Khoản 1 Điều 6 của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13; Khoản 3 Điều 7 của Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13; Điều 6 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12; Khoản 3 Điều 9 và Điều 14 của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11; Khoản 4 Điều 86 của Luật hải quan số 54/2014/QH13. Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13. Bãi bỏ các quy định liên quan đến việc xác định thuế đối với cá nhân kinh doanh tại khoản 1 Điều 19, khoản 1 Điều 20 và khoản 1 Điều 21 của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13.
16. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam:
Luật có 3 điều, sửa đổi bổ sung 7 điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015. Các quy định về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có quân hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ thời điểm Luật này được công bố.
17. Luật Công an nhân dân:
Luật có 7 chương, 45 điều quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015; Các quy định về phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này được công bố.
18. Luật giáo dục nghề nghiệp:
Luật có 8 chương, 79 điều quy định về hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015./.