UBND huyện Sa Thầy cho biết: Tính đến nay, trên địa bàn toàn huyện đã hỗ trợ được 401,3ha cao su cho 473 hộ nghèo, đạt 28% so với kế hoạch. Hầu hết diện tích cao su được trồng trong các năm 2012 và 2013 sinh trưởng tốt, mật độ vườn cây đảm bảo; các hộ tham gia Đề án đều yên tâm chăm sóc vườn cây.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, huyện và các xã, thị trấn đã thành lập được BCĐ phát triển cao su tiểu điền; các BCĐ đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm; phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan, thành viên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Đề án. Các cấp, các ngành trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, một phần phân bón cho các hộ tham gia Đề án trồng cao su tiểu điền.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án này, huyện Sa Thầy cũng gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: Diện tích các hộ tham gia Đề án nằm rải rác, không tập trung nên công tác hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra gặp nhiều khó khăn; khả năng tiếp thu và áp dụng quy trình kỹ thuật của các hộ dân còn nhiều hạn chế; một số hộ dân chưa thực sự quan tâm chăm sóc vườn cây nên để trâu, bò phá hoại. Bên cạnh đó, việc trồng xen cây mì với mật độ dày trong các vườn cao su vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển vườn cây...
Sau khi kiểm tra tình hình thực hiện Đề án tại một số xã như: Ya Xiêr, Sa Bình, Rờ Kơi, Đoàn giám sát đã đánh giá cao về công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân phát triển diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn huyện; tỷ lệ vườn cao su sinh trưởng và phát triển tốt đạt cao. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đề nghị huyện Sa Thầy cần tập trung khắc phục những khó khăn và thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục củng cố BCĐ huyện và các xã, thị trấn; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và củng cố niềm tin của người dân vào hiệu quả kinh tế mà cây cao su mang lại; hướng dẫn kỹ thuật và giám sát chặt chẽ quy trình trồng, chăm sóc vườn cao su tiểu điền; khắc phục tình trạng trồng xen cây mì quá dày trong vườn cây; bố trí kinh phí của huyện, linh hoạt trong việc lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầy đủ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ đã và chuẩn bị trồng mới.../.