Lịch sử đã bước qua thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Nhìn lại thế kỷ XX chúng ta có thể nhận thấy đó là thế kỷ chứa đầy những bão táp cách mạng dân tộc ở các thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc ở các Châu Á, Phi và Mỹ La tinh. Dân tộc Việt Nam đã sớm đi vào dòng thác vĩ đại của loài người tiến bộ bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự kiện quan trong bậc nhất, được viết bằng chữ vàng chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Không khuất phục trước dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, nhiều phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã diễn ra sôi nổi, song cuối cùng đều thất bại do chưa nhận thức đầy đủ xu hướng phát triển của thời đại, chưa tìm ra đường lối cứu nước đúng đắn.
Giữa lúc dân tộc Việt Nam đứng trước sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, ngày 05-6-1911, bằng hai bàn tay trắng với tinh thần yêu nước nồng nàn và bầu nhiệt huyết cách mạng, Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) đã ra đi tìm đường cứu nước. Sau bao nhiêu năm bôn ba ở nước ngoài, Người đã đến với chủ nghĩa Mác -Lênin và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đồng thời chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một Đảng vô sản kiểu mới. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03-02-1930 đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam. Từ đây, cách mạng Việt Nam đã có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã vượt qua muôn vàng khó khăn và thử thách trong máu lửa đấu tranh để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho dân tộc. Với chủ trương đúng đắn là "đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập dân tộc lên hàng đầu", biết tận dụng thời cơ "Nhật, Pháp bắn nhau…" để hành động, nên chỉ trong vòng nửa tháng (từ ngày 14-8 đến ngày 28-8), Đảng lãnh đạo nhân dân ta vùng lên Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi trong cả nước. Ngày 02-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 nêu lên chân lý: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập".
Và:
"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Hào khí Tuyên ngôn độc lập như chứa đựng hào khí của Lời thơ "Nam quốc Sơn hà", của "Hịch tướng sỹ", của "Bình Ngô đại cáo". Đó là hào khí của những con người Việt Nam "Quyết cỡi con sóng dữ, chém cá kình trên biển Đông chứ không chịu làm tỳ thiếp cho người ta"; là "Đánh cho để răng đen. Đánh cho để dài tóc…Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".
Cái hào khí ấy đã được nối tiếp và tỏa sáng trong hai cuộc kháng chiến ròng rã 30 năm trời, đánh thắng hai đế quốc to, quyét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, thu giang sơn về một mối, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị tuyệt vời và cao quý của dân tộc, của thời đại Hồ Chí Minh.
Đó là sự thật ! Sự thật của một dân tộc suốt mấy nghìn năm văn hiến. Sự thật của một dân tộc luôn khát vọng tự do, độc lập cho Tổ quốc mình. Sự thật của một dân tộc luôn yêu chuộng hòa bình và công lý. Sự thật ấy chói ngời với Văn Lang, Âu Lạc, tuy có phần lắng chìm trong nghìn năm Bắc thuộc, nhưng lại bừng lên rạng rỡ với Đại Việt và cho đến ngày nay là Việt Nam.
Rõ ràng là ý chí và nguyện vọng thiết tha được độc lập, tự do rất chính đáng của dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, thậm chí cho đến tận hôm nay vẫn luôn bị các thế lực ngoại ban rình rập, dòm ngó. Song, cho dù chúng có rắp tâm đồng hóa, hoặc dơ bẩn hơn là dùng "khai hóa" để tiến hành cái việc ngu dân, bóc lột dã man và tàn bạo, dìm người Việt Nam trong bể máu, hoặc sử dụng chiến tranh huỷ diệt…gây không biết bao nhiêu cảnh đầu rơi, máu đổ, dựng lên không biết bao nhiêu cảnh xiềng xích, gông cùm, chết chóc, tan thương nhưng dân tộc Việt Nam vẫn kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm và đã làm nên những cuộc trường chinh vĩ đại.
Thật là vĩ đại ! Sự vĩ đại ấy của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ ngàn đời nay. Từ "Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn, Khi Nguyễn Huệ cỡi voi vào cửa Bắc, Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sông Bạch Đằng …" đã thấm đẫm trong tâm hồn và khí phách của con người Việt Nam, trở thành bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam mà bất cứ kẻ thù nào dù có hùng mạnh đến đâu cũng không thể nào lay chuyển nổi.
Hôm nay, hào khí của Cánh mạng Tháng Tám đã và đang làm cho tất cả chúng ta nhận thức sâu sắc hơn lời hùng thiêng sông núi đất Việt. Đồng thời cũng giúp cho chúng ta nhận rõ: "Chúng ta con một cha, nhà một nóc. Thịt với xương tim óc dính liền". Đó là truyền thống đoàn kết từ ngàn đời nay của cha ông ta. Kẻ nào dẫu vô tình hay cố ý chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc thì đó chính là kẻ thù của chúng ta. Vì vậy, càng tự hào và hân hoan chào đón hào khí Cách mạng Tháng Tám bao nhiêu thì chúng ta cũng cần phải gìn giữ điều thiêng liêng đó bấy nhiêu. Đó là sự gìn giữ cho thế hệ con cháu mai sau.
70 năm đã trôi qua, song hào khí của Cách mạng Tháng Tám vẫn hừng hực trong trái tim của hàng triệu người Việt Nam yêu nước, cũng như nhân dân các dân tộc trên thế giới yêu chuộng hòa bình, yêu độc lập tự do, công lý. Hào khí Cách mạng Tháng Tám mãi là niềm tự hào cho những "Con Lạc, cháu Hồng", mãi là hành trang của chúng ta trên con đường tiếp nối truyền thống cha ông đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng gió để vươn ra biển lớn, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".