banner
Thứ 5, ngày 4/7/2024
Tài liệu phiên chất vấn

TT

Nội dung chất vấn

TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA CÁC ĐƠN VỊ

(Click vào file đính kèm để tải về)

1

VIỆC CHẬM PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2023 CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ

Trên cơ sở ý kiến trả lời chất vấn của đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh, trong đó đồng chí xác định 03 giải pháp khắc phục trong những năm tiếp theo([1]).

Tuy nhiên, qua theo dõi hiện nay Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của các huyện, thành phố vẫn chậm được phê duyệt. Tính đến tháng 5/2023, UBND tỉnh mới phê duyệt xong Kế hoạch sử dụng đất của 10/10 huyện, thành phố([2]). Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định số 148/2020/NĐ-CP): Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện phải được phê duyệt trước ngày 31 tháng 12([3]). Như vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện chậm so với quy định([4]).

Với vai trò là cơ quan trình phê duyệt, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: kết quả thực hiện các giải pháp khắc phục đã đề ra; khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; nguyên nhân Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của cấp huyện chậm được phê duyệt; trách nhiệm của Sở và các đơn vị, địa phương có liên quan; kiến nghị đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

  - Công văn trả lời chất vấn

  - Phụ lục kèm theo

2

CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CẤP PHÉP, XỬ LÝ TÀI NGUYÊN CÁT, SỎI NẠO VÉT TẠI CÁC LÒNG HỒ

Qua hoạt động khảo sát việc lập và triển khai thực hiện công tác quy hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, việc quản lý khoáng sản cát, sỏi bồi lắng tại một số khu vực lòng hồ, đập dâng thủy lợi, thủy điện thiếu chặt chẽ, đơn vị quản lý lòng hộ tổ chức nạo vét, tập kết không đúng nơi quy định, không có cơ quan, đơn vị kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác; hiện nay vẫn chưa có phương án quản lý, cấp phép, xử lý khối lượng cát xây dựng đã nạo vét, gây lãng phí, thất thoát tài nguyên, nguồn thu ngân sách, tạo dư luận, bức xúc của người dân địa phương([5]).

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trách nhiệm của Sở và các đơn vị, địa phương có liên quan trong việc quản lý, cấp phép, xử lý tài nguyên cát, sỏi nạo vét tại các lòng hồ và đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên trong thời gian tới.

  - Công văn trả lời chất vấn

  - Phụ lục kèm theo

3

VỀ VIỆC CHẬM TRIỂN KHAI QUY HOẠCH CHUNG CẤP HUYỆN, XÃ GIAI ĐOẠN 2021-2030

Trong năm 2023, huyện Sa Thầy có xã Ya Ly là xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng hiện nay Tiêu chí số 01 về quy hoạch chung của xã giai đoạn 2021-2030 chưa thể thực hiện được vì lý do theo hướng dẫn của Sở Xây dựng tại Văn bản số 2420/SXD-QHKT ngày 28 tháng 12 năm 2022 thì Quy hoạch chung của xã thực hiện sau khi Quy hoạch vùng huyện được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong khi hiện nay Quy hoạch vùng huyện Sa Thầy mới được UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện trong tháng 4 năm 2023 và thời gian để lập Quy hoạch vùng (gồm Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch) theo quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ là 14 tháng; Còn quy hoạch chung cấp xã là khoảng 7 tháng. Như vậy sẽ không thể triển khai kịp việc lập quy hoạch chung của xã giai đoạn 2021-2030 và theo tôi được biết thì đây là vướng mắc chung của toàn tỉnh.

Tuy nhiên, đến tháng 03 năm 2023, Sở Xây dựng mới có Văn bản đề xuất để UBND tỉnh cho chủ trương giao UBND các huyện lập quy hoạch vùng huyện trong đó có huyện Sa Thầy là chậm, đối chiếu với quy định trên thì cuối năm 2024 mới có thể phê duyệt quy hoạch vùng huyện, và khoảng giữa năm 2025 mới hoàn thành lập quy hoạch chung cấp xã.

Vậy, đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quy hoạch trên địa bàn cho biết trách nhiệm của ngành khi chưa kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố triển khai thực hiện lập Quy hoạch vùng, trong khi Nghị định 44 của Chính phủ đã ban hành từ năm 2015? Đồng thời đồng chí cho biết sẽ đề xuất những giải pháp gì để giải quyết khó khăn về tiêu chí quy hoạch trong xây dựng nông thôn mới cho các địa phương?

   - Công văn trả lời chất vấn

4

VIỆC THỰC HIỆN DỰ ÁN QUY HOẠCH BỐ TRÍ DÂN CƯ TẠI XÃ ĐĂK H’RING, HUYỆN ĐĂK HÀ

Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk H’Ring (nay là xã Đăk Long), huyện Đăk Hà giai đoạn 2009-2015. Tổng diện tích quy hoạch là 690ha, bố trí cho người dân mỗi hộ được cấp bao nhiêu đất sản xuất? Bao nhiêu đất ở? (trên 300 hộ với 1.500 khẩu). Từ năm 2009 đến 2018 đã kết thúc tổng mức đầu tư là 149.125 tỷ đồng, tổng số vốn đã bố trí thực hiện dự án là 134.444 tỷ đồng. Đồng chí cho biết đến thời điểm hiện nay khối lượng dự án đạt bao nhiêu %; đã giải ngân bao nhiêu%. Hiện nay, còn khoảng 50 đến 60 hộ dân chưa lên ở khu tái định cư. Giải pháp: giải quyết như thế nào để ổn định đời sống cho các hộ dân nêu trên.

   - Công văn trả lời chất vấn

5

VIỆC BAN HÀNH ĐƠN GIÁ MỞ CÁC LỚP ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG THÔN

Thực hiện kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia có nội dung hỗ trợ đào tạo nghề nông thôn (Chương trình Giảm nghèo dự án 4, Chương trình Dân tộc miền núi tiểu dự án 3 dự án 5). Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện chưa triển khai được, người dân có nhu cầu đăng ký học (trên địa bàn huyện có nhu cầu 37 lớp các ngành nghề), kinh phí thực hiện đã phân khai cho các đơn vị nhưng không triển khai thực hiện được do hiện nay UBND tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu) chưa ban hành đơn giá chi tiết lập dự toán mở lớp. Vậy cử tri có ý kiến khi nào thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành đơn giá mở các lớp đào tạo nghề nông thôn để cử tri, nhân dân được tham gia học tập chuyển đổi ngành nghề phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

  - Công văn trả lời chất vấn

6

VIỆC THU HỒI TIỀN ĐÃ CHI TRUY LĨNH CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG TRỢ CẤP XÃ HỘI

Qua theo dõi kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của UBND tỉnh tại các kỳ họp, đại biểu nhận thấy có nội dung kiến nghị của cử tri Lê Thị Thanh Nhàn, Công chức VH-XH, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà kiến nghị: Về việc thu hồi số tiền đã chi truy lĩnh của các đối tượng đã hết tuổi hưởng trợ cấp trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn, thực tế là không thu hồi được, vì 100% đối tượng được thụ hưởng chính sách này đều là đối tượng yếu thế và thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây cũng là khó khăn chung hiện nay của các huyện, thành phố khi thực hiện hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Nội dung này UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn các địa phương liên quan có phương án phù hợp nhằm khắc phục sai sót trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, hoàn thành việc thu hồi, nộp ngân sách số tiền đã chi sai theo đúng quy định([6]).

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết nội dung này triển khai thực hiện đến đâu? Đối với các trường hợp không thu hồi được thì hướng giải quyết như thế nào để giải quyết dứt điểm nội dung trên.

  - Công văn trả lời chất vấn

  - Phụ biểu kèm theo

7

VIỆC THU HỒI TIỀN ĐÃ CHI TRUY LĨNH CỦA CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG TRỢ CẤP XÃ HỘI

Sau khi Nghị quyết số 68/2021/NQ-HĐND ngày 14/12/2021 của HĐND tỉnh về có hiệu lực, Sở Lao động Thương Binh xã hội tỉnh có văn bản số 2378/SLĐTBXH-TGXHGN ngày 22/12/2021 hướng dẫn triển khai thực hiện trong đó quy định các đối tượng trợ giúp xã hội "được thực hiện truy lĩnh kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022". UBND 05 huyện, thành phố đã thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng theo Hướng dẫn của Sở LĐTB&XH tỉnh. Tuy nhiên đến ngày 10/8/2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 1725/SLĐTBXH-TGXHGN về Phúc đáp, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, trong đó điều chỉnh nội dung "được thực hiện truy lĩnh kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022" tại Công văn số 2378/SLĐTBXH thành "thời gian hưởng TCXH các đối tượng khác kể từ tháng Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ký quyết định". dẫn đến phải thu hồi số tiền mà các đối tượng trợ cấp xã hội đã được nhận truy lĩnh.

Thực tế hiện nay các huyện đã triển khai công tác thu hồi theo hướng dẫn liên ngành Tài chính- Lao động và chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 149/UBND-KGVX, ngày 18/01/2023, nhưng công tác thu hồi rất khó khăn vì đối tượng bảo trợ xã hội đều là đối tượng yếu thế và thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí cho cử tri biết giải pháp nào để giải quyết dứt điểm, thấu đáo vấn đề này nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương và đối tượng trợ giúp xã hội.

   - Công văn trả lời chất vấn

  - Phụ biểu kèm theo

8

VỀ ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN TẢI ĐIỆN BA PHA PHỤC VỤ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Hiện nay, nhu cầu phục vụ tưới tiêu cho cây trồng dài ngày trên địa bàn toàn huyện Ngọc Hồi khoảng: 6.110 ha (Cây cà phê 5.285,0 ha; cây ăn quả các loại: 620,0 ha và cây Mắc ca 205 ha). Tại các đợt tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Ngọc Hồi, cử tri đã nhiều lần kiến nghị ngành Điện lực xem xét khảo sát xây dựng đường dây điện tải điện 3 pha để cung cấp điện có tải trọng lớn cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp trồng cây cà phê, cây ăn quả trên diện tích lớn để phục vụ tưới tiêu được đảm bảo. Đồng thời, cá nhân tôi cũng được biết nhu cầu điện sản xuất hiện nay cũng đang rất cấp thiết ở một số địa phương khác. Tuy nhiên, dù được cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước tham mưu UBND tỉnh về lĩnh vực này, đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Công Thương cho biết giải pháp nào để có thể giải quyết được vấn đề nêu trên như thế nào?

   - Báo cáo trả lời chất vấn

9

VIỆC CHUYỂN GIAO VẬT CHỨNG ĐỂ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Qua giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND tỉnh([7]) về giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác Thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh, Ban Pháp chế nhận thấy việc xử lý vật chứng (gỗ) trong Bản án hình sự sơ thẩm số 20/2020/HSST ngày 26/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô“Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”([8]). Vụ án xảy ra tại khoảnh 3, tiểu khu 277, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô đã được Toà án nhân dân huyện Đăk Tô tuyên giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kon Tum phải chuyển giao số lượng gỗ vật chứng trên cho Chi cục THADS huyện Đăk Tô (tại thời điểm Toà án chuyển giao bản án) để thi hành theo quy định.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục THADS huyện Đăk Tô tại thời điểm Đoàn giám sát (ngày 09/3/2023) thì số gỗ vật chứng trên vẫn chưa được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh chuyển giao cho Chi cục THADS huyện Đăk Tô thi hành.

Đề nghị Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Nguyên nhân vì sao đến nay vẫn chưa chuyển giao số gỗ vật chứng trên cho Chi cục THADS huyện Đăk Tô thi hành theo quy định; thực trạng hiện nay số gỗ trên còn nguyên giá trị hay không; được giao quản lý, bảo quản ở đâu, có làm thất thoát, hư hại hay không (nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai, đơn vị nào). Giải pháp và thời gian cụ thể để thực hiện việc chuyển giao số gỗ vật chứng trên cho Chi cục THADS huyện Đăk Tô thi hành theo quy định.

   - Công văn trả lời chất vấn

10

VỀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH DOANH DỊCH VỤ LƯU TRÚ HOMESTAY

Trong thời gian gần đây, tỉnh đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa-lịch sử cách mạng, du lịch mạo hiểm ... Để phát triển được định hướng này, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, đầu tư thông qua kêu gọi các nhà đầu tư cho hạ tầng du lịch, thì có một phần tham gia của các hộ gia đình, cá nhân tham gia vào phân đoạn lưu trú, đó là mô hình kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay (lưu trú tại nhà) nở rộ như một xu hướng bởi sự mới mẻ trong thiết kế, đồng thời đáp ứng như cầu trải nghiệm của du khách với văn hoá của địa phương, gắn với du lịch cộng đồng.

Loại hình dịch vụ lưu trú này đang phát triển tập trung ở thành phố Kon Tum và Măng Đen (huyện Kon Plông). Tuy nhiên, qua theo dõi trên thực tế đối với việc kinh doanh lưu trú này trong khu vực tư nhân, hộ gia đình chỉ mới là tự phát, chạy theo thị hiếu, chưa tương xứng giữa đầu tư và mở rộng quy mô đã dẫn hệ quả một số homestay kinh doanh kém hiệu quả, sau một thời gian ngắn sang nhượng, rao bán trên các nền tảng xã hội.

Phải khẳng định rằng việc phát triển loại hình lưu trú homestay là nhu cầu tất yếu của xu thế, đồng thời đáp ứng nhu cầu lưu trú, thu hút du khách, góp phần chung trong phát triển du lịch của tỉnh nhà. Tuy nhiên, để loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú này không còn là tự phát, kinh doanh kém hiệu quả, theo đồng chí, cần có những định hướng nào hoặc hình thức hỗ trợ nào của nhà nước đối với các hộ gia đình kinh doanh loại hình dịch vụ lưu trú này để đảm bảo phát huy được lợi thế trong dân khi tham gia vào thu hút khách du lịch đến tỉnh?

  - Công văn trả lời chất vấn

11

VỀ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ CỦA TỈNH HÀNG NĂM

Chỉ tiêu tham gia BHYT là chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh, được Chính phủ và UBND giao thực hiện hàng năm. Kết quả phát triển bảo hiểm y tế của tỉnh thời gian qua rất tích cực, năm sau cao hơn năm trước, là sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân.

Trong báo cáo của BHXH tỉnh về tình hình thực hiện BHXH, BHTN, BHYT quý I/2023, số người tham gia BHYT quý I năm 2023 giảm 5.067 người so với năm 2022. Số giảm thẻ phần lớn là do người dân thuộc xã khu vực III bị giảm thẻ do bị điều chỉnh theo Quyết định 861/QĐ-TTg (xã đạt chuẩn nông thôn mới), không được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua BHYT nhưng không tiếp tục tham gia BHYT tự nguyện. Bên cạnh đó, còn một phần người dân chưa tham gia BHYT tự nguyện, số HSSV tham gia BHYT chưa đạt chỉ tiêu. Mặc dù các ngành các cấp triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp vận động các nguồn kinh phí khác hỗ trợ mua thẻ BHYT cho một số đối tượng, nhưng đến thời điểm hiện nay tiếp tục tình trạng giảm thẻ BHYT đối với đối tượng bị ảnh hưởng do Quyết định 861/QĐ-TTg và một số đối tượng khác.

Từ thực trạng trên cho thấy việc thực hiện các giải pháp để đạt được chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT do Chính phủ giao (theo lộ trình năm sau cao hơn năm trước) đã gây áp lực cho ngành BHXH, chính quyền địa phương, các ngành phối hợp và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp. Để đảm bảo cho mục tiêu BHYT toàn dân một cách bền vững, theo đồng chí, có nên tính toán ngoài các giải pháp để thực hiện chỉ tiêu BHYT của tỉnh, cần cân nhắc đến việc đề nghị Chính phủ, BHXH Việt Nam điều chỉnh việc giao BHYT cho tỉnh Kon Tum có tính đến đặc thù vùng miền, nhất là miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn hơn các vùng khác hay không?

   - Công văn trả lời chất vấn

12

VỀ KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO CÁN BỘ CHỈ HUY QUÂN SỰ CẤP XÃ

Căn cứ Quyết định 567/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2022 của chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum về việc cử thí sinh đi đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và đào tạo trung cấp ngành quân sự cơ sở năm 2022. Theo nội dung của Quyết định có cử 35 thi sinh đi đào tạo tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học và đào tạo trung cấp ngành quân sự cơ sở năm 2022. Tại điều 2 trong Quyết định có quy định Kinh phí bảo đảm cho học viên đi học được bố trí từ ngân sách tỉnh theo Kế hoạch số 3536/KH-UBND ngày 01/10/2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án đào tạo cán bộ Chỉ huy quân sự cấp xã đạt trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở giai đoạn 2022-2025. Tuy nhiên qua nắm bắt và phản ánh của những học viên đang được cử đi đào tạo tại trường quân sự Quân khu 5 được biết năm 2022 tỉnh có thanh toán 584.709.000đ kinh phí đào tạo năm 2022. Năm 2023 trường quân sự Quân khu 5 đã soạn thảo dự toán kinh phí đào tạo gửi địa phương. Tuy nhiên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phản hồi: UBND tỉnh không bố trí kinh phí đào tạo do thực hiện quy định tại khoản 5 điều 37, Luật Dân quân tự vệ nên không ký kết hợp đồng.

Hiện tại số học viên được cử đi đào tạo tại trường Quân sự Quân khu 5 của tỉnh, được nhà trường cho ứng từ các nguồn kinh phí khác của trường, để chi các khoản sinh hoạt ăn ở. Còn các chế độ khác như phụ cấp đi đường, bảo đảm tiền tàu, xe, bảo đảm trang phục cá nhân, trang phục dùng chung... hiện không được hưởng nên học viên đang theo học tại trường gặp nhiều khó khăn. Xin hỏi đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh có giải pháp nào để giải quyết kinh phí cho học viên đang được cử đi đào tạo theo Quyết định 567/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh và những học viên sẽ được cử đi đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở trong những năm tiếp theo.

  - Công văn trả lời chất vấn

13

Thương hiệu Sâm Ngọc Linh thời gian qua có vấn đề, tỉnh đã cho mua máy xét nghiệm sâm: Vậy 02 máy mua từ ngày nào? Trong thời gian qua đã làm được việc gì? Đã xét nghiệm phân tịch gen được bao nhiêu, đúng gen được bao nhiêu %; tem nhãn hiệu sâm NL đã kiểm tra, dán, sử dụng bao nhiêu; sau xét nghiệm thì sâm thật bao nhiêu, sâm không đảm bảo bao nhiêu. Nhân định trước và sau khi mua máy thì tình hình sâm thật, sâm giã thế nào, cơ quan quản lý nhà nước đã triển khai việc quản lý, sử dụng máy như thế nào?

  - Công văn trả lời chất vấn
 

([1]) Gồm: (1) Đề nghị UBND các huyện, thành phố phải bố trí kinh phí hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền bố trí kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện; (2) Đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai lập KHSDĐ năm 2023 và gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định trong quý 3 năm 2022 làm cơ sở trình HĐND tỉnh thông qua danh mục thu hồi đất và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2023 (hoàn thành trước ngày 31/12/2022); (3) Đề nghị HĐND tỉnh thống nhất việc thông qua danh mục các dự án thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013.

([2]) Huyện Đăk Hà (30/5/2023), Tu Mơ Rông (26/5/2023), Kon Plong (26/5/2023), Kon Rẫy (18/5/2023), Đăk Glei (18/5/2023), Ngọc Hồi (11/5/2023), Ia H’Drai (31/3/2023), Đăk Tô (21/3/2023), Sa Thầy (13/3/2023) và thành phố Kon Tum (12/5/2023)

([3]) e) Căn cứ hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được hoàn thiện và Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp tỉnh phê duyệt thực hiện xong trước ngày 31 tháng 12.

([4]) Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất gắn với nhu cầu sử dụng đất trong năm của các ngành, lĩnh vực, của các cấp, phù hợp với khả năng đầu tư và huy động nguồn lực, khắc phục lãng phí trong việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời cũng là một nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Việc chậm phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kéo theo dự án đầu tư chậm khởi công, triển khai thực hiện, không giải ngân được vốn,...

([5]) Lòng hồ thủy điện Đăk Psi 5 (Huyện Đăk Hà) và Lòng hồ thủy điện Đăk Pô Kô (Huyện Đăk Tô).

([6]) Thời điểm hoàn thành thu hồi trước ngày 30/6/2023 tại văn bản số 149/UBND-KGVX ngày 18/01/2023.

([7]) Theo Kế hoạch số 03/KH-BPC, ngày 08/02/2023 của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

([8]) Gồm: 26 (hai mươi sáu) lóng gỗ và 08 (tám) hộp gỗ giổi có khối lượng 26,251m3 (quy tròn).