banner
Thứ 2, ngày 29/4/2024
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)
24-11-2017
Chiều ngày 23/11/2017, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Tại buổi thảo luận này đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum Rơ Châm Long (A Long) cùng 17 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu và 12 lượt đại biểu tranh luận. Thảo luận tập trung vào những nội dung: Về sự cần thiết sửa đổi Luật, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; khái niệm tố cáo; chủ thể có quyền tố cáo; áp dụng pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo; về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo; việc tiếp nhận xử lý ban đầu thông tin tố cáo; nguyên tắc giải quyết tố cáo; trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo. Về bổ sung một số quyền, nghĩa vụ của người tố cáo như quyền được thông báo về các biện pháp bảo vệ, quyền được bảo vệ bí mật thông tin, việc làm và các quyền công dân khác; nghĩa vụ tố cáo đến đúng cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết; quyền của người bị tố cáo được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận giải quyết tố cáo; về một số quyền, nghĩa vụ khác của người tố cáo, người bị tố cáo. Về quy định hai hình thức tố cáo như Luật Tố cáo hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp; đề nghị quy định tố cáo có thể thực hiện bằng văn bản và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (thư điện tử, fax, điện thoại…) để bảo đảm thống nhất với các luật khác. Về quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung tố cáo và các yêu cầu phải bảo đảm khi rút tố cáo; thời hạn giải quyết tố cáo; bổ sung quy định về điểm dừng trong giải quyết tố cáo nhằm khắc phục tình trạng tố cáo đã được giải quyết ở cấp cao nhất nhưng người tố cáo vẫn tiếp tục tố cáo kéo dài. Về bảo vệ người tố cáo: đối tượng và phạm vi bảo vệ; cơ quan phối hợp; quyết định biện pháp bảo vệ; đề nghị phía cơ quan công an có trách nhiệm chủ trì bảo vệ; việc thuê tổ chức có chức năng bảo vệ thực hiện bảo vệ. Về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, của cán bộ, công chức, viên chức nay đã nghỉ hưu; về xử lý đơn tố cáo nặc danh, mạo danh; kết luận nội dung tố cáo; trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo… Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã báo cáo giải trình, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi)

Đại biểu Rơ Châm Long đã thống nhất cao với những nội dung dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi, bổ sung) lần này và tham gia 3 vấn đề để góp phần vào hoàn thiện dự thảo luật. Về hình thức tố cáo, Báo cáo tổng kết 4 năm thi hành Luật Tố cáo cho thấy chỉ có 12,35% đơn tố cáo là đúng, 28,3% có đúng, có sai, 59,35% là tố cáo sai, như vậy qua thực tiễn giải quyết đơn thư tố cáo thì tỷ lệ tố cáo sai là phần lớn. Việc sửa đổi luật lần này một mặt nhằm hoàn thiện các quy định cho việc tố cáo và giải quyết tố cáo. Nhưng một mặt cũng phải ngăn ngừa tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, bởi tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần có các điều kiện đảm bảo về mặt pháp lý cũng như điều kiện nhân lực, vật chất, kỹ thuật để tiếp nhận và xử lý. Bởi vậy, chưa nên mở rộng hình thức tố cáo như qua thư điện tử, fax, điện thoại mà nên giữ quy định hiện hành là 2 hình thức là bằng đơn hoặc tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên Ban soạn thảo cần rà soát lại để quy định đầy đủ, chặt chẽ quy định tiếp nhận, xử lý tố cáo khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo và bảo vệ họ khi tố cáo. Việc xử lý tiếp nhận thông tin tố cáo qua thư điện tử, điện thoại, fax nên quy định ở Điều 22 là hợp lý. Mặc dù không quy định là 1 hình thức tố cáo nhưng vẫn xem xét xử lý nhằm tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.

Về giải quyết tố cáo tại Chương III. Mục 1 của chương này từ Điều 12 đến Điều 18 quy định nguyên tắc thẩm quyền giải quyết hành vi vi phạm pháp luật khi bị tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là khá đầy đủ. Tuy nhiên, tại Điều 17 quy định: "Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp" quy định  người đứng đầu cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có thẩm quyền giải quyết tố cáo nhưng quy định này chưa thật rõ ràng. Các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương là cơ quan được coi tương đương cấp bộ, người đứng đầu ngang Bộ trưởng. Đối với Bộ trưởng khi bị tố cáo thì thẩm quyền giải quyết là Thủ tướng được quyết định tại khoản 8 Điều 13. Nhưng khi người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội ở trung ương nếu bị tố cáo ai sẽ giải quyết thì chưa được quy định tại Điều 17. Đề nghị bổ sung để điều luật đầy đủ, rõ ràng hơn. Đồng thời, các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo tại các điều của mục 1 Chương III này cũng chưa thấy quy định cho đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trong dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cũng không thấy quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo, đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định này.

Về tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, đình chỉ việc giải quyết tố cáo tại điểm c khoản 1 có quy định "khi có kết luận giám định xác định người bị tố cáo bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo", theo đại biểu Rơ Châm Long ngoài bệnh tâm thần còn có những bệnh khác có thể làm cho người bị tố cáo mất năng lực hành vi dân sự, trong trường hợp đó cũng nên tạm đình chỉ. Vì vậy đề nghị bổ sung vào điểm này quy định "các bệnh khác làm mất năng lực hành vi dân sự"…

Ngày 24/11/2017, Quốc hội sẽ thông qua Luật Quy hoạch; Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và họp Phiên bế mạc./.

Hồ Nam VPĐĐBQH TH  
Tin liên quan:
Icon Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Icon HOẠT ĐỘNG CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XIV
Icon Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Icon Quốc hội thảo luận về các Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017
Icon Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức Bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016
Icon Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).
Icon Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum tham dự kỳ họp
Icon Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng
Icon Hoạt động trong tháng 10 và 11/2017 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
Icon Kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIV
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE