banner
Thứ 6, ngày 19/4/2024
UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X
19-11-2014
Ngày 20/02/2014, UBND tỉnh ban hành Báo cáo Số 23/ BC- UBND về trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X. Ban biên tập trích đăng nội dung một số ý kiến, kiến nghị chung của cử tri phản ánh sau kỳ họp và ý kiến trả lời của UBND tỉnh.
UBND tỉnh trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 7,  Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X

1. Hiện nay, các Ngân hàng cho dân vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc với thời hạn 3 năm là quá ngắn nên các hộ dân được vay vốn gặp khó khăn trong việc trả nợ cho ngân hàng. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, đề nghị các cấp tăng thời gian cho vay từ 3 năm lên 5 năm để tạo điều kiện cho nhân dân hoàn trả vốn vay cho ngân hàng theo đúng quy định.

UBND tỉnh trả lời:

Vấn đề kiến nghị của cử tri, Ủy ban nhân dân tỉnh đã làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được Thống đốc NHNN Việt Nam trả lời tại Văn bản số 7265/NHNN-VP ngày 02/10/2013, cụ thể như sau:

Thời hạn cho vay căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay của người vay và thời hạn thu hồi vốn của chương trình, dự án, có tính đến khả năng trả nợ của người vay; đối với cho vay trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và chăn nuôi thì phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của cây trồng, vật nuôi.

Theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, cho vay trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc có thể xem xét cho vay trung và dài hạn; cho vay chăn nuôi gia cầm, lợn, thủy sản thì xem xét cho vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, Ngân hàng thương mại còn có thể xem xét cho phép gia hạn khoản nợ tối đa 01 chu kỳ để giảm bớt áp lực cho người nông dân vay vốn khi đến vụ nhưng chưa tiêu thụ được sản phẩm. Cơ chế cho vay hiện nay là phù hợp về thời gian cho vay cũng như việc gia hạn tạo điều kiện cho khách hàng vay và trả nợ.

2. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu tạo nguồn giống bò lai có chất lượng, năng suất để bán cho người dân chăn nuôi phát triển kinh tế vì hiện nay bò giống ngoài thị trường bán giá quá cao và không thể kiểm định được chất lượng giống.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lồng ghép các chương trình, dự án nghiên cứu lai, cải tạo giống bò địa phương và sản xuất con giống bò lai đảm bảo chất lượng bằng các biện pháp lai thụ tinh nhân tạo... để cung ứng con giống tốt cho người dân trên địa bàn tỉnh phát triển chăn nuôi.

Trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án để phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và sản xuất giống bò lai chất lượng, năng suất cao, giá thành rẻ để cung ứng cho người dân chăn nuôi phát triển kinh tế.

3. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chế độ Bảo hiểm xã hội đối với Phó công an xã, phụ cấp thâm niên đối với Trưởng công an xã theo Nghị định 73/2009/NĐ-CP ngày 7/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh công an xã.

UBND tỉnh trả lời:

- Về chế độ BHXH đối với Phó Công an xã:

Phó Công an xã là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (Khoản a, Điều 1, Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 27/4/2010 của UBND tỉnh Kon Tum) và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (Khoản 3, Điều 9, Thông tư số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).

Như vậy, Phó Công an xã không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

- Về phụ cấp thâm niên đối với Trưởng Công an xã: Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 73/2009/NĐ-CP, theo đó: Trưởng Công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; Phụ cấp thâm niên được chi trả hằng tháng cùng kỳ lương và dùng để đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

4. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, tổ chức giám định khách quan, chính xác đối với các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhằm đảm bảo công bằng trong giải quyết thụ hưởng chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động trong thời kỳ kháng chiến.

UBND tỉnh trả lời:

Theo báo cáo của Sở Y tế, Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ khám giám định cho người hoạt động kháng chiến có phơi nhiễm với chất độc hóa học và con đẻ của họ, đảm bảo tiếp nhận hồ sơ đúng và đầy đủ theo quy định của Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chuyển đến và tiến hành tổ chức khám giám định, xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể theo đúng quy định hiện hành; luôn luôn tổ chức giám định khách quan, chính xác đối với các nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhằm đảm bảo công bằng trong giải quyết thụ hưởng chế độ chính sách đối với người tham gia hoạt động trong thời kỳ kháng chiến.

5. Trong thời gian qua người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nhận thấy thái độ của một số y, bác sĩ thiếu nhiệt tình, tôn trọng đối với người bệnh (chủ yếu đối với những người khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế tự nguyện). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục chấn chỉnh thái độ, y đức của đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, qua đó góp phần thực hiện tốt chính sách ưu việt của Nhà nước đối với Bảo hiểm y tế tự nguyện.

UBND tỉnh trả lời:

Thời gian qua, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo Ngành Y tế triển khai các giải pháp tích cực nhằm chấn chỉnh thái độ phục vụ, nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ y tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến của cử tri về thái độ, y đức của đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở y tế, đặc biệt là Bệnh viện đa khoa tỉnh. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, kiên quyết xử lý những trường hợp các bộ y tế vi phạm về y đức.

6. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tỉnh xem xét tăng thêm số lượng đầu thuốc chữa bệnh Bảo hiểm y tế đối với các Trạm y tế cơ sở (hiện nay tủ thuốc Bảo hiểm y tế có rất ít đầu thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân).

UBND tỉnh trả lời:

Danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại Trạm Y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán do Sở Y tế ban hành theo Quyết định số 1884/QĐ-SYT ngày 18/10/2011. Theo quy định trên, tuyến xã được sử dụng 387 loại thuốc. Trong trường hợp bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến xã, bệnh nhân sẽ được chuyển tuyến trên.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế kiểm tra, giám sát và chỉ đạo kịp thời các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, Trạm Y tế nói riêng sử dụng thuốc chữa bệnh bảo hiểm y tế đúng quy định, đảm bảo cung ứng đủ về chủng loại, số lượng và chất lượng thuốc, kịp thời phục vụ nhân dân trong điều kiện tốt nhất.

7. Nhu cầu khám, chữa bệnh đối với bà con dân tộc thiểu số nói riêng và người dân nói chung là rất chính đáng và cấp thiết. Nhưng bà con khó có điều kiện tham gia Bảo hiểm y tế tự nguyện vì mức tiền mua bảo hiểm còn cao so với thu nhập của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Đề nghị UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện hỗ trợ hoặc giảm mức tiền mua Bảo hiểm y tế tự nguyện đối với bà con dân tộc thiểu số.

UBND tỉnh trả lời:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, người dân tộc thiểu số không thuộc diện hộ nghèo đang sinh sống tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh không thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì không được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Riêng đối với các trường hợp thuộc hộ gia đình cận nghèo thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ, cụ thể:

 - Theo Điều 1 Quyết định 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 70% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc gia đình cận nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia), kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

- Theo Điều 1 Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 8/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, gồm: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 05 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 01/01/2013 nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 01/01/2013 chưa đủ 05 năm, thời gian còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế, thời gian hỗ trợ thấp nhất là 01 năm.

          Người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo và các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ. Đối với các đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ".

8. Đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị định 29/2013/NĐ-CP ngày 08/04/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

UBND tỉnh trả lời:

Hiện nay việc triển khai Nghị định 29/2013/NĐ-CP còn vướng mắc, trong đó có nội dung về nguồn kinh phí thực hiện. Mặc dù UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc với Bộ, ngành Trung ương. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn, khi có hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh sẽ  triển khai và trình HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.

9. Hiện nay, chế độ phụ cấp của các chức danh không chuyên trách cấp xã thấp, nhưng khi kiêm nhiệm các chức danh khác chỉ được hưởng 20%. Đề nghị UBND tỉnh xem xét kiến nghị cho chức danh không chuyên trách kiêm nhiệm được hưởng 100% phụ cấp chức danh kiêm nhiệm.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, sẽ nghiên cứu khi triển khai thực hiện Nghị định số 29/2013/NĐ-CP.

10. Cán bộ quản lý và giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (nam trên 5 năm và nữ trên 3 năm) nay chuyển về đơn vị công tác mới là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có được tiếp tục hưởng chế độ thu hút 70% và phụ cấp công tác lâu năm không? Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng trả lời để cử tri và các địa phương biết, thực hiện.

UBND tỉnh trả lời:

- Về phụ cấp thu hút: Tại Khoản 2, Điều 8, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP đều quy định thời gian hưởng mức phụ cấp thu hút là không quá 05 năm. Do vậy, căn cứ thời gian thực tế đã làm việc của cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn để cho hưởng phụ cấp thu hút với tổng thời gian hưởng trước và sau khi chuyển công tác là không quá 05 năm

- Về phụ cấp công tác lâu năm: Tại Điều 5, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP quy định: "Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP được hưởng phụ cấp hàng tháng tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn như sau:

          + Mức 0,5 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm;

          + Mức 0,7 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm;

          + Mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với người có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên."

Do vậy, cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn được chuyển đến vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn mới tiếp tục được hưởng phụ cấp công tác lâu năm. Căn cứ thời gian thực tế công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để cho hưởng theo các mức tương ứng như trên./. (TM t/h)

  
Tin liên quan:
Icon Rừng thông 35 năm tuổi “kêu cứu”
LienKetWS LIÊN KẾT WEBSITE