Dự Hội nghị có 49/54 Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV; đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; các Ban Đảng Trung ương tại Đà Nẵng và Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về nội dung Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 20-4-2007 của Tỉnh ủy khóa XIII “về đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến 2020”; sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-7-2011 của Tỉnh ủy khóa XIV “về xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực”; lấy phiếu giới thiệu nhận sự bổ sung nguồn quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020; thực hiện quy trình nhân sự đề nghị chỉ định bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020.
Hội nghị đã thống nhất đánh giá, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ khoá XIII, cả 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của tỉnh và đã có tác động lan tỏa nhất định đối với các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ. Vẫn chưa có các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực lớn về vốn và công nghệ triển khai dự án trên địa bàn. Việc thực hiện dự án của nhiều nhà đầu tư còn chậm. Công tác khảo sát, giới thiệu quỹ đất để nhà đầu tư lập dự án đầu tư còn hạn chế. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông tại các vùng kinh tế động lực còn chưa thật đồng bộ. Chất lượng nguồn nhân lực và tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp...
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Đó là, các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được rà soát, bổ sung và phê duyệt. Một số chính sách quan trọng hỗ trợ, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của tỉnh được ban hành và triển khai tích cực. Khoa học và công nghệ được ứng dụng, bước đầu tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các tuyến giao thông quan trọng được đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến (cà phê, cao su, sắn, sâm Ngọc Linh, rau, hoa xứ lạnh) đang dần hình thành. Một số chỉ tiêu đề ra đến năm 2015 đã thực hiện đạt và vượt, như: diện tích cao su (đạt 106,7%), diện tích cà phê (đạt 157,9%), sản lượng cà phê (đạt 147,4%), sản lượng sắn (đạt 175,9%), tinh bột sắn (đạt 215,02%)...
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định tại Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy; thường xuyên rà soát các quy hoạch ở các vùng kinh tế động lực để có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế; triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 30-6-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo các địa phương, đơn vị trên cơ sở việc xác định lại ngành, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2025, cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và triển khai quy hoạch; định kỳ tổ chức rà soát, đánh giá để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sản xuất phù hợp với chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp liên doanh, liên kết thực hiện bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản để hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giá trị cao; nâng cao công tác đào tạo nghề; tổ chức, triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực cho giai đoạn 2016-2020.