Báo cáo với Tổng Bí thư và Đoàn công tác tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho biết: Năm 2016 và quý I/2017, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các kết luận của Trung ương, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trướng khá. Năm 2016, giá trị tổng sản phẩm đạt 11.141 tỷ đồng (tăng 1,18 lần); thu nhập bình quân đầu người đạt 32,16 triệu đồng (tăng 2,41 lần); thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.940 tỷ đồng (tăng 1,22 lần) so với năm 2011; đã triển khai trên 2.108 tỷ đồng vốn đầu tư công để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, tỉnh đã tập trung phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen quy mô 150 ha, thu hút các công ty, tập đoàn lớn trong nước tham gia đầu tư; hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp, dược liệu tập trung để phục vụ chế biến. Toàn tỉnh có gần 75 ngàn ha cao su, gần 17 ngàn ha cà phê, trên 300 ha sâm Ngọc Linh và 70 ha rau, hoa xứ lạnh.
Công tác thu hút đầu tư được chú trọng; môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi; việc đầu tư xây dựng, phát triển các vùng kinh tế động lực được quan tâm; Chương trình MTQG xây dựng NTM được chú trọng, đến nay toàn tỉnh có 13 xã đạt chuẩn NTM. Chất lượng giáo dục, y tế được nâng lên; công tác giảm nghèo được đẩy mạnh, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 23,03% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Kon Tum phấn đấu đến cuối năm 2017, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 9%; thu nhập bình quân đầu người 34 triệu đồng; tổng thu ngân sách đạt 1.831 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4%; có 16 xã đạt chuẩn NTM...
Tại buổi làm việc, tỉnh Kon Tum đề xuất, kiến nghị với Tổng Bí thư và Đoàn công tác một số nội dung về phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý bảo vệ rừng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; về công nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng, tài chính ngân sách, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...
Tổng Bí thư phát biểu tại buổi làm việc (Tín đưa ảnh này lên trên)
Tổng Bí thư cho rằng, Kon Tum là tỉnh còn nhiều khó khăn so với một số tỉnh trong vùng nhưng có nhiều cố gắng nỗ lực vươn lên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, Tổng Bí thư đã bày tỏ niềm vui vì mỗi lần về Kon Tum đều thấy có bước đổi thay, có bước tiến mới ở nông thôn và thành thị. Đáng chú ý là từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay, tỉnh Kon Tum tiếp tục có bước phát triển tốt; kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển; độ che phủ rừng được đánh giá là cao nhất nước với trên 62%. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng đẩy mạnh, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) khá bài bản, nghiêm túc. Nhân dân Kon Tum tiếp tục đoàn kết. Bộ mặt và diện mạo của Kon Tum ngày càng thay đổi sẽ tạo tiền đề để đạt thành quả cao hơn.
Tuy vậy, Tổng Bí thư cũng băn khoăn, trăn trở đối với sự phát triển của tỉnh. So với các tỉnh ở Tây Nguyên, Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo; sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; chất lượng tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực còn chậm; thu nhập bình quân đầu người so với cả nước còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; hạ tầng cơ sở phát triển chưa mạnh; hộ nghèo còn nhiều.
Để tiếp tục phát triển, Tổng Bí thư mong muốn Kon Tum phải tiếp tục đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách công tác, làm sao phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, sự đồng thuận vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phấn đấu đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra. Trong phát triển toàn diện nên chọn trọng tâm trọng điểm, chọn một số lĩnh vực có thế mạnh để tập trung phát triển; vẫn phải xác định nông nghiệp là trọng tâm; chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất lớn liên kết "4 nhà" gắn với xây dựng Nông thôn mới; khai thác thế mạnh của rừng gắn với nuôi trồng, tái sinh và bảo vệ rừng.
Đối với Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng phải đặt mạnh việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác đối ngoại, bảo đảm môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực bài bản phù hợp với nhu cầu của tỉnh; kết hợp đưa khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...