Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cơ bản nhất trí về bố cục và nội dung của dự thảo Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) và đã tham gia 19 ý kiến cụ thể vào dự thảo luật. Đoàn thống nhất lấy tên luật là Luật lâm nghiệp, vì tên gọi này vừa ngắn gọn, vừa bao quát đầy đủ các nội dung của Luật (từ việc quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng cho đến khai thác, chế biến lâm sản, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp, các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp,…). Tại khoản 24 Điều 2 về giải thích từ ngữ, đề nghị bỏ cụm từ “có cùng phong tục, tập quán”, vì việc quy định khái niệm “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp ,bản, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự” là đã bao hàm đầy đủ những yếu tố cấu thành nên “cộng đồng dân cư”; nếu quy định thêm cụm từ “có cùng phong tục tập quán” sẽ rất khó áp dụng trong việc giao rừng, quản lý rừng đối với những vùng kinh tế mới bao gồm nhiều người dân đến từ vùng, miền khác nhau, dân tộc khác nhau cùng sinh sống trong cùng một đơn vị hành chính. Xem xét bổ sung 02 khái niệm “Kiểm kê rừng” và “Chi trả dịch vụ môi trường rừng” vào Điều này.
Tại Chương VIII về Quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị xem xét, bổ sung sau Điều 75, Điều 76 một điều quy định về Trách nhiệm của chủ rừng “Chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra vi phạm phá rừng, cháy rừng, mất rừng trên lâm phần được giao quản lý”; Đồng thời điều chỉnh, bổ sung tên Chương VIII là “Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ rừng”. Tại Điều 105 về Quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương, khoản 1 nên quy định cụ thể tổ chức cơ quan chuyên ngành về lâm nghiệp ở địa phương; Khoản 2 cần quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp ở cấp huyện cần phải cụ thể (giao cho Hạt Kiểm lâm hay giao cho phòng chuyên môn để mang tính thống nhất, đồng bộ khi triển khai thực hiện)./.