Về công tác giám sát, khảo sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát 2 chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Các đại biểu Quốc hội là thành viên của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tham gia các cuộc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật tại một số tỉnh khác (Đăk Nông, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An,...) theo kế hoạch của Đoàn giám sát.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (Tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH) về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dân tộc thiểu số; công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho người tàn tật. Chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ kế hoạch đầu tư (Tại Kỳ họp thứ 3) về việc triển khai thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về công tác xây dựng pháp luật và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng, Trước kỳ họp thứ 3, theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong tỉnh tổ chức cho các đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, nhân dân trong tỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 13 dự án luật (Luật Cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật quản lý ngoại thương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự; Luật thủy lợi; Luật bồi thường Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi) và Luật du lịch (sửa đổi)). Tổ chức hội nghị lấy ý kiến 4 dự án Luật (Luật cảnh vệ và Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)).
Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tập trung nghiên cứu, tham gia 15 lượt phát biểu với 54 ý kiến (9 lượt phát biểu tại Tổ, 6 lượt phát biểu tại Hội trường) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành;... Tham gia ý kiến các Dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; Luật tố cáo (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi);...
Về công tác tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp thứ 3 tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 10/10 huyện, thành phố; Tiếp xúc với cử tri là cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang (Thuộc Sư đoàn 10, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh tại Sư đoàn 10; Thuộc Trung đoàn 24 của Sư đoàn 10 và Trung đoàn bộ binh 990 của BCHQS tỉnh Kon Tum tại Trung đoàn 24) để báo cáo với cử tri về nội dung, chương trình và kết quả của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khoá XIV; Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội thông qua, cho ý kiến, động viên cử tri chấp hành pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội; thông báo kết quả trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và UBND tỉnh; nghe và tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của cử tri về những vấn đề thuộc nội dung, chương trình kỳ họp và kiến nghị của cử tri với Trung ương, với tỉnh.
Tại các buổi tiếp xúc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Uỷ ban nhân dân các cấp, các sở, ngành liên quan tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp, kiến nghị của cử tri đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình; đồng thời thông báo, giải thích cho cử tri biết những nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và trả lời. Đối với những vấn đề chưa được trả lời trực tiếp cho cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tập hợp, phản ánh lên Quốc hội (Tại kỳ họp thứ 3, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phản ánh lên Quốc hội 07 ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Kon Tum thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông Vận tải; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt nam) và UBND tỉnh Kon Tum xem xét, giải quyết và trả lời theo thẩm quyền, theo quy định của pháp luật.
Về công tác tiếp công dân, từ đầu năm 2016 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức 07 buổi tiếp công dân (trong đó tiếp định kỳ hàng tháng 05 buổi, tiếp đột xuất 02 buổi/01 công dân theo yêu cầu của công dân); Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp 04 buổi tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.
Tại buổi tiếp công dân của Đoàn, 01 đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận 01 đơn, nghiên cứu chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định.
Về công tác tiếp nhận và xử lý đơn, thư của công dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 32 đơn, thư các loại của công dân trong và ngoài tỉnh, qua xem xét nội dung đơn và căn cứ quy định của pháp luật, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã hướng dẫn, trả lời công dân 02 đơn; chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết 15 đơn; lưu 15 đơn không đủ điều kiện xử lý theo quy định của pháp luật. Đến nay 07/15 đơn do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý và trả lời.
- Đoàn luôn giữ mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh bạn. Luôn duy trì, củng cố mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh theo luật định.
- Tham gia, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, KT-XH, ANQP, các hoạt động xã hội của tỉnh; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật./.